Chủ nhật, 05/05/2024, 00:29[GMT+7]

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

Thứ 4, 13/09/2023 | 15:39:55
1,323 lượt xem
Sáng 13/9, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2023).

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vào sáng 13/9.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh,… dự lễ.

Dự lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Quốc phòng...; cùng các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố và thân nhân của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã xem sân khấu hóa và phim tư liệu ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với quê hương, đất nước.

Sân khấu hóa ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long).

Từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã rất hiếu học, tư chất thông minh, nghị lực, ham học hỏi. Cậu bé Lễ luôn đứng hạng ưu trong các kỳ thi của các trường, đứng đầu 2 kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Tây.

Năm 1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi. Năm 1940, Phạm Quang Lễ nhận gần như cùng một lúc 3 bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân toán. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm 3 bằng kỹ sư khác bao gồm: Hàng không, Mỏ-Địa chất và Chế tạo máy.

Cũng trong thời gian này, Phạm Quang Lễ đã tự tìm tòi nghiên cứu về ngành chế tạo vũ khí. Ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay, rồi sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết. Phạm Quang Lễ đề đạt nguyện vọng về phục vụ đất nước.

Cuối năm 1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự).

Năm 1947, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của Trần Đại Nghĩa, xưởng quân giới đóng ở Thái Nguyên đã chế tạo thành công súng Bazoka. Đây là một loại vũ khí chủ yếu dùng đánh xe tăng, tàu chiến.

2 năm sau, ông cùng các cộng sự nghiên cứu và chế tạo thành công súng không giật SKZ. Đây là loại súng nhẹ, có thể vác trên vai nhưng sức công phá rất lớn dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố, đầu đạn xuyên thủng bê-tông.

Năm 1948, Giáo sư Trần Đại Nghĩa có tên trong danh sách 11 người được phong hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông cũng là Cục trưởng Quân giới đầu tiên - một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho nền công nghiệp quốc phòng non trẻ Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trần Đại Nghĩa đã góp phần không nhỏ trong việc tìm biện pháp chống nhiễu của máy bay B-52 và nâng cấp độ bay cao của tên lửa SAM-2 để tổ chức phòng không hiệu quả nhất.

Ngày 20/11/1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng khi mới 35 tuổi. Năm 1952, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lao động đợt đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, ông giữ cương vị Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam.

Từ những năm 1950 đến cuối đời (1997), Giáo sư Trần Đại Nghĩa được giao giữ trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Cục trưởng Cục Quân giới; Cục trưởng Cục Pháo binh; Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; Thứ trưởng Công thương; Thứ trưởng Công nghiệp; Thứ trưởng Công nghiệp nặng; Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Hiệu trưởng đầu tiên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội…

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. 

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh: “Chúng ta mãi mãi biết ơn công lao to lớn của Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học tài năng, uyên bác, một vị lãnh đạo tâm huyết, mẫu mực, là tấm gương sáng về phong cách, đạo đức cách mạng, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc lên trên hết.

Nhân buổi lễ trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trong và ngoài tỉnh, ngoài nước phát huy cao độ tinh thần yêu quê hương, ý chí tự lực, tự cường; phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, sớm đưa tỉnh Vĩnh Long đạt tỉnh phát triển nhanh và bền vững”.

Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước... dâng hoa, dâng hương và một phút mặc niệm tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. 

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã thành kính dâng hoa, dâng hương và một phút mặc niệm tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Theo: nhandan.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày