Thứ 7, 04/05/2024, 15:22[GMT+7]

Tiếng nói đoàn kết từ châu Phi

Thứ 5, 14/09/2023 | 10:37:27
1,498 lượt xem
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu châu Phi tại Kenya đã ra tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm của châu lục này trở thành một đồng minh của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu châu Phi. (Ảnh: TTXVN)

Với những tiềm năng và tham vọng góp phần quan trọng trong giải pháp toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước châu Phi hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ châu lục này thúc đẩy năng lượng tái tạo và yêu cầu thay đổi toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu nhằm giúp các nước nghèo trong cuộc chiến khí hậu cam go này.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi đã khai mạc tại thủ đô Nairobi của Kenya với mục đích tìm tiếng nói đồng thuận của khu vực trước các hội nghị toàn cầu sắp tới và thảo luận về tài trợ cho các ưu tiên môi trường của lục địa này, trong bối cảnh các vấn đề liên quan khí hậu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã phát đi thông điệp rằng, tới lúc châu lục này là một điểm đến cho đầu tư về khí hậu chứ không phải chỉ là nạn nhân của lũ lụt, hạn hán và nạn đói. Các bộ trưởng môi trường, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà vận động khí hậu đã thảo luận về cách mở rộng quy mô tài chính khí hậu và thị trường carbon, đầu tư để thích ứng với nhiệt độ tăng và chuyển đổi hệ thống thực phẩm.

Châu Phi đang thúc đẩy các công cụ tài chính dựa trên thị trường như tín dụng carbon nhằm huy động nguồn tài trợ mà họ cho rằng đã đến chậm từ các nhà tài trợ ở thế giới giàu có. Tín dụng carbon cho phép những nước gây ô nhiễm bù đắp vào lượng khí thải bằng cách tài trợ cho các hoạt động như trồng cây và năng lượng tái tạo.

Châu Phi có lợi thế trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh nhờ dân số trẻ, tiềm năng các nguồn tài nguyên tái tạo và thiên nhiên dồi dào, trong đó có thể kể đến việc tập trung phần lớn trữ lượng cobalt, mangan và platinum của thế giới, vốn rất cần thiết cho pin điện và pin nhiên liệu hydrogen. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi là nơi tập trung 60% nguồn năng lượng mặt trời tốt nhất thế giới, thế nhưng châu lục này vẫn có tới hàng trăm triệu người dân chưa có điện sử dụng.

Nhiều tiềm năng, nhưng châu Phi chỉ thu hút được 2% tổng số vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập kỷ qua. Châu lục này cần số vốn gấp 10 lần mức hiện tại để đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 7 năm tới, khoảng 600 tỷ USD, qua đó đạt mục tiêu nâng sản lượng năng lượng tái tạo từ 56 GW trong năm 2022 lên tối thiểu 300 GW vào năm 2030.

Để giải phóng tiềm năng tăng trưởng xanh ở mức độ có thể tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho quá trình phi carbon hóa nền kinh tế toàn cầu, các nước châu Phi cho rằng cần phải mở rộng hoạt động cấp vốn quy mô lớn cho châu lục này. Đứng trước những khoản nợ chồng chất trong khi thiếu vốn trầm trọng, các nước châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm gánh nặng nợ cho các nước này và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để mở đường cho hoạt động đầu tư vào năng lượng sạch.

Nhằm gia tăng áp lực với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để mở đường cho hoạt động đầu tư và tài chính khí hậu, trong tuyên bố chung của hội nghị tại Kenya, các nước châu Phi kêu gọi kiên quyết thực hiện các cải cách cần thiết giúp tạo ra cấu trúc tài chính mới, đáp ứng nhu cầu đầu tư của châu Phi, trong đó có các biện pháp tái cấu trúc và giãn nợ cho các nước này. Châu Phi cần một sân chơi công bằng để tiếp cận đầu tư cần thiết giúp giải phóng tiềm năng và kiến tạo cơ hội cho châu lục.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hối thúc các nước phát triển, vốn là những nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, tôn trọng các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc cung cấp 100 tỷ USD/năm cho năng lượng sạch và hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị này, tổng số vốn các nước cam kết hỗ trợ cho châu Phi là 23 tỷ USD, trong đó, riêng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ USD để thúc đẩy châu Phi chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung kêu gọi các lãnh đạo trên thế giới ủng hộ đề xuất cơ chế đánh thuế carbon toàn cầu, trong đó có thuế carbon với hoạt động giao thương nhiên liệu hóa thạch, vận tải biển và hàng không. Các nước châu Phi tin rằng, các biện pháp này được triển khai ở cấp độ toàn cầu giúp bảo đảm nguồn cung tài chính quy mô lớn cho các khoản đầu tư liên quan khí hậu và tách bạch vấn đề tăng thuế với các sức ép về địa chính trị và chính trị nội bộ. Tuy nhiên, theo IMF, hiện có khoảng hơn 20 quốc gia áp thuế carbon nhưng ý tưởng về cơ chế thuế carbon toàn cầu chưa nhận được nhiều khích lệ.

Việc đạt được sự đồng thuận về khí hậu tại châu Phi không hề dễ dàng khi châu lục 1,4 tỷ dân này đã chứng kiến một số nước theo đuổi con đường chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong khi nhiều nước vẫn tìm cách bảo vệ các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Giới phân tích cho rằng, các nước châu Phi có được tiếng nói đoàn kết sẽ tạo động lực cho nhiều hội nghị quốc tế quan trọng sắp tới, trong đó có Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở Ấn Độ sắp tới và Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) vào tháng 11 tới.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày