Dưỡng Thông “Phẩm giá vô đề”
Mây tre đan là một nghề được hình thành từ lâu đời trong các làng xã cổ truyền ở Việt Nam, là nghề sản xuất đồ gia dụng bằng chất liệu tre, mây như rổ, rá, dần, sàng và các loại ngư cụ. Nhưng nghề mây tre vươn tới sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ như bàn, ghế, tủ, chạn, khay, làn, lẵng hoa… thì lại chỉ là nghề truyền thống của một số làng với các lớp nghệ nhân cha truyền con nối. Trong truyền thống, Thái Bình có một số làng chuyên sản xuất hàng mây tre thủ công mỹ nghệ, nhưng nổi tiếng và phát triển hơn cả là Dưỡng Thông (Kiến Xương), Lục Linh, Lũng Đầu (Thái Thụy).
Đến thời thuộc Pháp, nghề mây tre đan của Dưỡng Thông nổi danh với nhiều mặt hàng song mây mỹ nghệ được người trong và ngoài nước ưa chuộng. Dân làng còn truyền cụ phó Thơi là một nghệ nhân giàu sức sáng tạo đã khéo léo đan mây, chế tác ra nhiều bức hoành phi câu đối được các nhà quyền quý dùng làm đồ trang trí nội thất ở các tư dinh và các bậc quan lại ưa dùng ở công đường. Có bức đại tự đan mây của cụ Thơi đã trưng bày tại nhà Đấu Xảo (Hà Nội), được giải thưởng cao, nhờ đó cụ được ban phong hàm Cửu phẩm. Tương truyền, bức đại tự này của cụ Cửu Thơi được đưa vào trưng bày tại cung đình Huế, vua Bảo Đại rất ưa thích và tặng cho cụ bốn chữ: “Phẩm giá vô đề” (giá trị không gì sánh bằng). Ở làng bên cạnh có ông Phó Lệ là trùm phường thợ mộc có tay nghề cao, dân trong vùng có câu: “Mẹo mực Phó Lệ không bằng tài nghệ Cửu Thơi”.
Sau năm 1954, nghề mây tre đan Dưỡng Thông vẫn tiếp tục được duy trì. Từ năm 1960 trở đi khi có thị trường xuất khẩu sang Đông Âu và Liên Xô thì thợ đan mây làng này có việc làm tương đối ổn định. Đã có nhiều năm, cơ sở sản xuất mặt ghế mây của hợp tác xã Dưỡng Thông thu hút hàng ngàn lao động. Thời đó, nghề đan mặt ghế mây từ Dưỡng Thông lan ra khắp tỉnh. Nhiều người ở các địa phương khác đã phải tìm đủ cách liên hệ “xin” được việc đan mặt ghế gia công mang về cho gia đình hoặc người thân quen để có thêm thu nhập. Khi Đông Âu và Liên Xô biến động, mất thị trường tiêu thụ, thợ đan mây ở nhiều nơi mất việc nhưng ở Dưỡng Thông chỉ là nhất thời. Do cơ chế mới cho phép, một số hộ trong xã đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt ghế đan mây Dưỡng Thông đã tìm đến được thị trường một số nước Tây Âu và các châu lục khác. Hai doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh mây tre đan ở Dưỡng Thông ra đời, hàng chục tổ hợp vệ tinh của hai doanh nghiệp này hình thành, thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài xã.
Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, nghề đan mây của Dưỡng Thông - Thượng Hiền cực thịnh. Gần như 100% số hộ trong xã tham gia vào nghề này. Nam phụ lão ấu người nào việc nấy. Người đi thu gom mây từ các chợ, các làng quê trong và ngoài tỉnh, người rút sợi, người đan dệt mây. Khắp các ngả đường từ trung tâm xã vào các ngõ xóm đều có mây sợi phơi trắng xóa ven đường. Âm thanh của máy rút sợi mây hòa quyện cùng tiếng động cơ của các loại phương tiện nối nhau chở nguyên liệu vào, chở hàng thành phẩm ra. Vào những năm thịnh vượng, mỗi năm xã Thượng Hiền đã bán ra các thị trường khoảng 500.000 - 700.000m2 mặt ghế đan mây.
Mươi năm gần đây, do thị trường đòi hỏi đa dạng các mặt hàng, trong khi Thượng Hiền chuyên bán nguyên liệu mây chẻ và mặt ghế nên làng nghề mây tre này gặp khó khăn. Tốc độ tiêu thụ sản phẩm chậm hơn trước. Giá mây ngày một tăng cao. Vì khâu tiêu thụ chậm nên khách mua hàng nợ đọng vốn nhiều đã dẫn tới tình trạng ép giá thu mua sản phẩm. Những người thợ trực tiếp đan mặt ghế có giá trị ngày công thấp nên ít mặn mà với nghề. Số lao động đan mặt ghế thu hẹp dần. Trong bối cảnh đó, cái khó ló cái khôn. Những người chuyên nghề mây ở Thượng Hiền đã tìm mọi cách tiếp cận thông tin, năng động tìm hướng sản xuất những mặt hàng mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Một số tổ hợp chuyên đan dệt và kinh doanh mặt ghế mây đã chủ động đa dạng mặt hàng như mây xiên, giỏ hoa, mây pha bèo bản khô để xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Một số hộ đã năng động cải tiến khung dệt mặt ghế mắt sàng sang dệt quả trám, hoặc chuyển sang làm hàng hoa, đan làn, giỏ. Một số hộ khác đã đầu tư mua máy chẻ mây bán nguyên liệu cho tỉnh ngoài và các cơ sở mây tre xuất khẩu trong tỉnh đặt hàng. Một số hộ chuyển sang gia công dệt mặt ghế bằng sợi nilon…
Là một làng nghề mây tre đan truyền thống, dân Dưỡng Thông thuần thục nghề mây từ việc chọn giống, ương giống mây, trồng mây đến việc thu hoạch, mua bán cây mây, chẻ sợi mây và đan, dệt các sợi mây thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Có thể lược qua một số kỹ nghệ của nghề mây Dưỡng Thông:
- Kỹ nghệ ương mây giống: Với người Dưỡng Thông thì kỹ nghệ chuyên canh cây mây cũng thuần thục như người nông dân chuyên canh cây lúa. Mây nếp, mây tẻ có kỹ thuật ương khác nhau, đưa đi trồng với từng loại đất tương thích khác nhau, có tuổi thu hoạch và cách thu hoạch, chế biến khác nhau. Nhờ nghề ương giống mây đem bán ở nhiều chợ làng mà địa danh Dưỡng Thông đã đi vào câu phương ngữ: “Ương mây Dưỡng Thông, trồng bông chợ Giẽ, ương chè Quán Thôn”. Sản phẩm mây giống của doanh nghiệp ở Dưỡng Thông - Thượng Hiền đã được tặng huy chương vàng hội chợ triển lãm năm 2006 tại Giảng Võ, Hà Nội.
- Kỹ nghệ thu hoạch và mua, bán mây: Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất hàng mây tre mỹ nghệ là mây, tre, song. Cũng giống như tre và song, chất lượng của mây phụ thuộc vào thời gian thu hoạch. Dân gian từng có câu: “Tháng tám tre non làm nhà, tháng ba tre già làm lạt” là nói đến việc chọn mùa chặt tre mới bảo đảm chất lượng. Mây trồng khoảng một năm thì bắt đầu thu hoạch, nhưng thường chỉ thu hoạch vào những tháng cuối năm đến đầu năm sau. Những tháng mưa nhiều mây tích nước, khi chẻ phơi dễ bị óp. Mây trồng thành khóm, thành bụi. Chặt cây nào, để cây nào phụ thuộc vào kinh nghiệm nghề nghiệp của người khai thác. Do nhu cầu nguyên liệu cho làng nghề, từ xa xưa ở Dưỡng Thông có nhiều người chuyên nghề mua bán mây. Nhìn khóm mây mà định giá mua. Chặt mây rồi cuộn mây thế nào để dễ bán là cả một kỹ năng, kỹ xảo của người trong nghề. Thuở trước, mây thường được mua bán theo cuộn. Cái tài cuộn mây của người Dưỡng Thông thật không dễ học. Nhìn cuộn mây thì thấy toàn những cây mây to, già đẹp nhưng khi dỡ ra thì không ít cây gốc to, ngọn thót hoặc lẫn những cây non búng. Ngày nay, việc mua bán mây được tính theo cân nhưng vẫn phải cuộn thành từng cuộn để cân. Người Dưỡng Thông đi mua mây ở các nơi vẫn có cái lọc lõi riêng. Họ chỉ dùng đôi mắt để kiểm định, phân loại mây mà không bao giờ bị hớ.
- Kỹ nghệ chẻ, rút sợi mây: Việc chẻ sợi mây tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng chẻ được. Cũng một cây mây như nhau nhưng với người chẻ khác nhau sẽ cho ra số lượng sợi và những sợi mây dài, ngắn, to nhỏ khác nhau. Dân gian từng lưu truyền giai thoại có ông bố đã thử tài các chàng trai bằng việc chẻ mây để kén rể. Dao cùn chẻ mây đương nhiên là khó, nhưng dao sắc quá chẻ thường bị lãi. Người chẻ không khéo thì chỉ cho những sợi mây ngắn, đầu to đuôi thót. Người thợ chẻ mây tinh tường ở chỗ nhìn sợi mây biết là nên chẻ thành mấy sợi cho vừa. Chẻ nhỏ quá sẽ không dùng được vào việc, chẻ to quá phải vót đi sẽ phí. Việc chẻ mây đã khó, nhưng vót sợi mây đã chẻ cho hết phần ruột để lấy cật cũng không dễ dàng. Thợ vót sợi mây thường lấy ngón trỏ của tay phải làm cữ. Động tác của nghệ nhân làm hàng mây tre vót mềm mại như múa. Mấy chục năm trở lại đây ở làng nghề Dưỡng Thông đã chế tạo ra máy rút sợi mây thay cho việc chẻ bằng tay. Trên mặt máy có nhiều lỗ to nhỏ khác nhau, người thợ rút sợi mây phải biết cây nào đưa vào lỗ nào để ra được số lượng sợi thích hợp cũng đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp và sự tinh tường của người thợ. Về chẻ và rút sợi mây thì người Dưỡng Thông tinh tường hơn nhiều làng nghề khác. Mươi năm nay, do nghề dệt, đan mặt ghế cho thu nhập không cao nên nhiều hộ gia đình trong làng đã chuyên mua mây về chẻ sợi bán cho các cơ sở sản xuất hàng mây tre đan. Thậm chí họ còn tìm đến các làng nghề đan mây ở ngoài tỉnh mua những sợi mây chẻ bị lỗi với giá mua phế thải đem về tái chế rồi lại đem bán cho các làng nghề trong và ngoài tỉnh.
Vào thời điểm thị trường xuất khẩu không ổn định, nhiều nghề và làng nghề thủ công trong nước rơi vào khủng hoảng thì nghề mây tre đan Dưỡng Thông tuy sa sút nhưng cơ bản vẫn âm ỉ tồn tại. Hẳn là, người Dưỡng Thông - người Thượng Hiền sẽ phát huy tính năng động, tìm mọi cách để những sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ vốn được tôn vinh “Phẩm giá vô đề” tiếp tục thăng hoa ở thời kỳ hội nhập.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng