Thứ 4, 15/01/2025, 16:09[GMT+7]

Thống Nhất: Triển vọng vùng trồng dược liệu

Thứ 4, 27/09/2023 | 08:37:13
9,703 lượt xem
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai, phá thế độc canh cây lúa, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, xã Thống Nhất (Hưng Hà) đang đẩy mạnh phát triển kinh tế từ cây dược liệu, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho địa phương.

Ông Nhữ Đình Tịnh, thôn An Mai, xã Thống Nhất chăm sóc cây khổ sâm.

Nhắc đến Thống Nhất là nói đến cây ngưu tất bởi đây là địa phương duy nhất của huyện có diện tích trồng ngưu tất lớn với gần 80ha, chiếm 40% diện tích cây vụ đông của xã. Từ vùng trồng ngưu tất toàn xã thu được hơn 20 tỷ đồng/vụ, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. 

Ông Nguyễn Văn Tiến, thôn An Mai duy trì trồng 8 sào, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng. Không chỉ bán củ tươi, ông còn sấy khô để bán với giá 60.000 - 64.000 đồng/kg. Ông Tiến cho biết: Cây ngưu tất dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng khó khăn nhất là khâu làm đất vì phải làm luống cao. Tôi thường xuyên tìm tòi những phương thức gieo trồng mới và chăm sóc theo đúng quy trình nên khi thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao. Như năm 2022, mỗi sào tôi thu gần 1 tấn củ, cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần cấy lúa.

Không chỉ nổi tiếng với ngưu tất, toàn xã Thống Nhất còn gieo trồng hơn 10ha cây cà gai leo, 10ha cây khổ sâm, bạch chỉ, ích mẫu... Điển hình như gia đình ông Nhữ Đình Tịnh, thôn An Mai gieo trồng gần 1 mẫu cà gai leo và khổ sâm, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. 

Ông Tịnh chia sẻ: Vài năm gần đây cây khổ sâm, cà gai leo được nhiều công ty dược thu mua để bào chế dược phẩm. Nắm bắt cơ hội, tôi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm gốc khổ sâm, 3 sào cà gai leo để trồng. Một năm thu hoạch 3 đợt cà gai leo, sau đó sấy khô xuất bán mỗi lứa thu gần 20 triệu đồng; riêng khổ sâm thu hoạch quanh năm. Trồng cây dược liệu tại vùng đất này rất phù hợp, cây phát triển tốt, không mất công sức hay phải đầu tư chi phí nhiều. Tính ra mỗi sào người dân thu nhập 9 - 10 triệu đồng/năm.

Nhờ trồng ngưu tất, người dân xã Thống Nhất có thu nhập 12 - 15 triệu đồng/sào/vụ.

Nhiều hộ dân trong xã không chỉ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu mà còn đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con để xuất bán cho các công ty trong và ngoài tỉnh. 

Ông Nhữ Đình Tỉnh, thôn An Mai cho biết: Một năm tôi thu mua hơn 100 tấn tươi các loại cây dược liệu cho bà con. Sau đó tôi tự sấy khô, đóng gói và xuất bán cho các công ty với giá bán cà gai leo 30.000 - 40.000 đồng/kg; khổ sâm hơn 30.000 đồng/kg; ngưu tất 60.000 - 65.000 đồng/kg. Nhu cầu thu mua sản phẩm của các công ty rất lớn nên bà con trong xã hầu như không phải lo lắng về đầu ra.

Việc thu hoạch cây cà gai leo rất vất vả.

Hiện nay, toàn xã Thống Nhất có hơn 100ha trồng cây dược liệu với hàng chục loại cây dược liệu quý hiếm. 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX DVNN Thống Nhất cho biết: Bên cạnh việc duy trì và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu sẵn có ở địa phương, vừa qua chúng tôi tiếp tục quy hoạch 3ha đất thuộc thôn An Mai để trồng cây bạch chỉ do Công ty Cổ phần Thương mại dược - vật tư y tế Khải Hà hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng. Đồng thời, bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá thấp nhất từ 40.000 đồng/kg khô. Hiện toàn xã đã có 20 hộ ký kết với Công ty để chuẩn bị gieo trồng trong tháng 10. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm mở rộng diện tích, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần khẳng định thương hiệu vốn có của địa phương.

Để nghề trồng cây dược liệu phát triển ổn định, bền vững, rất cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, xã Thống Nhất tập trung quy hoạch mở rộng vùng trồng cây dược liệu; đầu tư các loại máy móc để đáp ứng quy chuẩn sản xuất; đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.


Thanh Thủy