Thứ 5, 21/11/2024, 23:00[GMT+7]

Cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng tại châu Âu

Thứ 4, 27/09/2023 | 13:45:12
1,421 lượt xem
Làn sóng người di cư qua Địa Trung Hải “đổ bộ” vào châu Âu đang gây ra tình trạng khủng hoảng về việc tiếp nhận, làm nóng trở lại cuộc tranh luận trong Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề phân bổ người tị nạn. Là quốc gia tuyến đầu, Italia liên tiếp cảnh báo về thách thức lớn với EU, khi số lượng người di cư kéo tới đảo Lampedusa của nước này ngày một lớn.

Những người di cư nghỉ ngơi bên ngoài điểm nóng, tại trung tâm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, trên đảo Lampedusa của Sicilia, Ý, ngày 14/9. Ảnh: Reuters

Lượng người di cư trên các tàu thuyền khởi hành từ bờ biển Bắc Phi đến đảo Lampedusa gia tăng nghiêm trọng. Chỉ trong chưa đầy một tuần, từ ngày 11 đến 13/9 vừa qua, khoảng 8.500 người di cư trên 199 tàu đã đến Lampedusa và con số trên còn cao hơn cả dân số đảo này. Nằm giữa Tunisia, Malta và đảo Sicily của Italia, Lampedusa là điểm đầu tiên người di cư thường tìm đến để vào EU. Giới chức Lampedusa cho biết, hòn đảo nhỏ đang quá tải trong việc tiếp nhận người di cư, đồng thời kêu gọi EU và Chính phủ Italia nhanh chóng hỗ trợ, di chuyển bớt người di cư. 

Chỉ trong chưa đầy một tuần, từ ngày 11 đến 13/9 vừa qua, khoảng 8.500 người di cư trên 199 tàu đã đến Lampedusa và con số trên còn cao hơn cả dân số đảo này.


Theo Bộ Nội vụ Italia, từ đầu năm đến ngày 14/9 vừa qua, gần 126.000 người di cư đã đến nước này bằng đường biển, gần gấp đôi mức cùng kỳ năm 2022. Xu hướng này nếu duy trì, lượng người di cư đổ về Italia có thể tới gần mức cao kỷ lục khoảng 181.500 người từng được ghi nhận hồi năm 2016. 

Trong khi đó, theo tuyên bố của đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tình hình trên đảo Lampedusa đã trở nên nghiêm trọng sau khi số lượng người di cư và người tị nạn lớn chưa từng có trong những ngày gần đây. UNHCR kêu gọi thiết lập cơ chế khu vực thống nhất về thủ tục cập bến và bố trí lại những người di cư đến Italia bằng đường biển trên khắp EU. 

Vấn đề người di cư là thách thức lớn đối với Chính phủ Italia. Khi lên nắm quyền vào tháng 10/2022, chính quyền Thủ tướng Giorgia Meloni cam kết giải quyết và đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Tunisia, nơi xuất phát của phần lớn chuyến tàu di cư trái phép. Vào tháng 7, Tunisia và EU đã ký hiệp ước nhằm giúp ngăn chặn dòng người di cư, song không đem lại kết quả đáng kể. 

Thủ tướng Giorgia Meloni hối thúc các nước EU phối hợp để đối phó thách thức chung có nguy cơ mất kiểm soát. Áp lực ngày càng tăng buộc Italia phải tìm kiếm sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Italia Antonio Tajani cho rằng, cần phải triển khai các biện pháp tức thời và sâu rộng để giải quyết tình trạng di cư bất thường và ngày càng nghiêm trọng.

Làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Khó khăn lớn nhất của châu Âu hiện nay là ngăn chặn người di cư bằng đường biển. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, làn sóng di cư bất hợp pháp là thách thức của toàn châu Âu, nên cần một cách ứng phó chung của toàn khối. Bà kêu gọi các thành viên EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italia. Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch nối lại việc tiếp nhận người tị nạn từ Italia, chỉ vài ngày sau khi Berlin tạm đình chỉ hoạt động này.

Theo chương trình tự nguyện tiếp nhận người tị nạn nhằm thể hiện tình đoàn kết của EU, Đức cam kết tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ các quốc gia đặc biệt gặp khó khăn ở biên giới phía nam châu Âu, trong đó có Italia. Đến nay, khoảng 1.700 trường hợp (trong đó có hơn 1.000 trường hợp từ Italia) đã được Đức tiếp nhận thông qua “cơ chế đoàn kết tự nguyện” của châu Âu.

Không chỉ là vấn đề riêng của châu Âu, ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp còn là vấn đề của nhiều khu vực trên thế giới. Hoạt động di cư lộn xộn và mất trật tự theo các tuyến đường nguy hiểm mà những kẻ buôn người lợi dụng đang tiếp tục gây ra những hệ lụy lớn, trong đó cái giá đắt nhất chính là mạng sống. Nếu quản lý kém, việc di cư có thể làm gia tăng sự chia rẽ trong xã hội và giữa các cộng đồng. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, hơn 80% những người di cư theo cách an toàn và có trật tự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, di cư trái phép đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết và cần sự phối hợp chặt chẽ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và cộng đồng.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày