Thứ 3, 07/05/2024, 11:13[GMT+7]

TP HCM tìm giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Thứ 3, 03/10/2023 | 16:59:06
1,471 lượt xem
Chuyển dịch sang kinh tế xanh - sạch, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch... là chìa khoá để thành phố có thể đạt được mục tiêu Net Zero, theo các chuyên gia.

Xe buýt điện chạy ở trung tâm TP HCM tháng 3/2023.

Tại hội thảo "Xây dựng kế hoạch hành động cho TP HCM hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0" do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 19/9, các chuyên gia đã chia sẻ về những phương án, giải pháp nhằm giúp thành phố xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính.

Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM), thành phố có nhiều cơ hội trong việc triển khai kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Trước thách thức về biến đổi khí hậu, nhu cầu năng lượng, cũng như nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực... ông gợi ý thành phố nên ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Trương Quang Vũ cùng các chuyên gia ước tính theo kịch bản Net Zero, các giải pháp đề ra tại 7 lĩnh vực cơ bản góp phần giảm thiểu 2 tỷ tấn CO2td giai đoạn 2020 - 2050. Bên cạnh đó, đến năm 2050, TP HCM còn phát thải 66,3 triệu tấn CO2td.

Báo cáo nghiên cứu cũng đã đề xuất lộ trình giảm phát thải trên 7 lĩnh vực cơ bản. Cụ thể, một số giải pháp ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp như: Chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng cường các ngành sản xuất sạch, xanh; Giảm quy mô các ngành sử dụng nhiều năng lượng; Quy hoạch di dời các nhà máy công nghiệp nặng ra khỏi khu vực thành phố; Thay đổi quy trình công nghệ trong sản xuất công nghiệp nhằm giảm tổn thất nhiệt năng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Nghiên cứu áp dụng công nghệ thu trữ carbon, hydrogen trong sản xuất công nghiệp...

Trong lĩnh vực giao thông, thành phố chuyển đổi phương thức sử dụng phương tiện cá nhân sang công cộng, chuyển đổi các phương tiện dùng xăng, dầu sang dùng điện, ban hành các quy định về mức tiêu hao năng lượng...

TP HCM nên tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời áp mái, ưu tiên các dự án sản xuất năng lượng hydrogen...

Trong hoạt động thương mại, thành phố tập trung phát triển các mô hình mái nhà xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng các giải pháp giảm phát thải bao bì, dán nhãn...

Với các hộ gia đình, người dân thành phố nên sử dụng thiết bị nước nóng mặt trời, thiết bị điện có hiệu suất cao, đèn thắp sáng tiết kiệm điện. Ngoài ra, khuyến khích giám sát và điều khiển tự động tiêu thụ điện thông minh hộ gia đình...

Trong lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, bên cạnh tăng cường quản lý rừng bền vững, thành phố chú trọng các biện pháp tuần hoàn chất thải nông nghiệp (phế phụ phẩm được dùng làm phân hữu cơ tại chỗ), chuyển đổi phương thức trồng trọt chăn nuôi hữu cơ, thay thế các loại phân bón...

Với lĩnh vực quản lý chất thải, TP HCM nên ứng dụng các biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt cũng như chất thải rắn hiện đại để giảm tạo khí phát thải, đồng thời tăng tỉ lệ tái chế chất thải, giảm chất thải thông qua hệ thống quản lý và chính sách giảm chất thải tại nguồn, đốt chất thải rắn để phát điện.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, UBND thành phố đã ra nhiều văn bản về ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa ra các hoạt động và mục tiêu cụ thể, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính. TP HCM từng bước chuyển đổi năng lượng xanh cho phương tiện giao thông, trong đó tuyến xe buýt điện D4 đã đưa vào hoạt động từ tháng 3/2022. Bên cạnh đó, một số đề án của các doanh nghiệp về phát triển xe buýt điện loại nhỏ chở du khách ở trung tâm TP HCM, hay các giải pháp "đổi pin chia sẻ" nhằm khuyến khích người dân dùng xe điện nhiều hơn, đang chờ phê duyệt.

Tháng 9/2022, thành phố kết hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã khởi động dự án "Hỗ trợ kỹ thuật Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam" tại địa phương nhằm thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo, cải thiện công tác quy hoạch đô thị liên quan đến năng lượng sạch, huy động đầu tư và tích hợp các giải pháp năng lượng sạch vào hệ thống điện. Các giải pháp này bao gồm: điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác. Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ triển khai ít nhất 400 megawatt năng lượng sạch, huy động tối thiểu 540 triệu USD đầu tư công và tư nhân, và đưa ra thị trường ít nhất 15 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị tại thành phố.

Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs (phải) và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan bắt tay tại lễ khởi động dự án. Ảnh:USAID

Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs (phải) và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan bắt tay tại lễ khởi động dự án "Hỗ trợ kỹ thuật Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam". Ảnh:USAID

Ông Cao Tung Sơn, Trường phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, chuyển đổi xanh đang và sẽ là lựa chọn tất yếu để đảm bảo cho người dân môi trường sống lành mạnh và vị sự phát triển bền vững của thành phố. Trung hòa carbon, phát triển xanh và bền vững là xu hướng không thể đảo ngược.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày