Thứ 6, 10/05/2024, 20:23[GMT+7]

Mỹ xích lại gần châu Phi

Thứ 6, 06/10/2023 | 12:16:50
1,559 lượt xem
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa thăm Djibouti, Kenya và Angola, tiếp nối các chuyến thăm của giới chức cấp cao Mỹ đến châu Phi từ đầu năm đến nay. Đây là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm củng cố vai trò tại châu Phi, khu vực giàu tiềm năng và có vị thế ngày càng quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken gặp Tổng thống Namibia Hage Geingob, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema và Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, diễn ra tại Washington, D.C. ngày 14/12/2022. (Ảnh state.gov)

Thông điệp được thể hiện xuyên suốt chuyến công du kéo dài gần một tuần của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là Washington sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước châu Phi.

Các chuyến thăm liên tiếp của giới chức Mỹ được đánh giá là bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược tăng cường quan hệ với châu Phi của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn được tăng tốc từ hồi tháng 12/2022 với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi.

Tại Djibouti, điểm dừng chân đầu tiên, ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa hai nước để giải quyết các thách thức an ninh. 

Trong khi đó, thăm Kenya và Angola, ông một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ trong việc xây dựng và củng cố quan hệ đối tác an ninh với các nước, đồng thời thảo luận các sáng kiến, giải pháp của châu Phi nhằm tăng cường ổn định tại khu vực. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là nhân vật cấp cao mới nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden công du châu Phi trong năm nay. Trước đó, châu Phi đã đón tiếp Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield. 

Các chuyến thăm liên tiếp của giới chức Mỹ được đánh giá là bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa chiến lược tăng cường quan hệ với châu Phi của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn được tăng tốc từ hồi tháng 12/2022 với Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi.

Giới phân tích nhận định, những bước đi xích lại gần nhau hơn mang lại lợi ích cho cả Mỹ và châu Phi. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin và các quan chức cấp cao Mỹ diễn ra vào thời điểm châu Phi đối mặt hàng loạt thách thức như mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự. Bên cạnh đó, những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra thời gian gần đây cũng đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa tại châu lục này. 

Giới phân tích nhận định, những bước đi xích lại gần nhau hơn mang lại lợi ích cho cả Mỹ và châu Phi. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin và các quan chức cấp cao Mỹ diễn ra vào thời điểm châu Phi đối mặt hàng loạt thách thức như mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự. Bên cạnh đó, những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra thời gian gần đây cũng đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa tại châu lục này. 

Nhiều chuyên gia lo ngại, xung đột và đảo chính có thể khiến châu Phi mất ổn định, tác động tiêu cực nền kinh tế vốn ốm yếu của khu vực, làm trầm trọng hơn những thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng, từ đó đẩy các nước châu Phi vào vòng luẩn quẩn của bạo lực và nghèo đói không có lối thoát. Trong bối cảnh đó, những cam kết của Washington về bảo đảm an ninh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tăng cường an ninh lương thực và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng đối với châu lục này.

Trong khi đó, Mỹ cũng không thể phớt lờ sức hút của khu vực châu Phi. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang đối mặt tình trạng già hóa dân số nhanh chóng kéo theo nhiều hệ lụy thì châu Phi có lợi thế dân số trẻ và tốc độ gia tăng dân số nhanh, tạo ra tiềm năng to lớn về nguồn nhân lực. Cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, châu Phi cũng là điểm đến thu hút các nhà đầu tư quốc tế và các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga, Trung Quốc. 

Ngoài ra, vai trò của khu vực trên trường quốc tế đang ngày càng được khẳng định khi mới đây, Liên minh châu Phi (AU) đã gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với tư cách là thành viên chính thức. Tổng thống Joe Biden từng nhiều lần khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ của Mỹ với châu Phi. Trong chuyến công du châu Phi mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Austin một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của châu Phi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. 

Để tăng cường vị thế tại châu Phi, kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực hâm nóng mối quan hệ với châu lục này. Tháng 12/2022, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Washington đã cam kết tài trợ 55 tỷ USD để hỗ trợ châu Phi thúc đẩy kinh tế, y tế và an ninh trong ba năm. Trong chuyến thăm tới Cộng hòa Niger hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng công bố khoản viện trợ nhân đạo trị giá 150 triệu USD cho khu vực Sahel. 

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ vừa thông báo, đầu tháng 11 tới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế và thương mại khu vực miền nam sa mạc Sahara-Mỹ dự kiến diễn ra tại thành phố Johannesburg, trung tâm kinh tế của Nam Phi. Một trong những nội dung thảo luận chính tại diễn đàn là tương lai Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA). Đây là chương trình ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho khu vực, trong đó miễn thuế hàng hóa của các nước châu Phi khi thâm nhập thị trường Mỹ, dự kiến hết hạn vào năm 2025. Kêu gọi gia hạn AGOA, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi Ebrahim Patel cho rằng việc kéo dài đạo luật sẽ mang lại lợi ích cho cả châu Phi và Mỹ.

Trong chuyến thăm châu Phi vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris từng khẳng định, mối quan hệ giữa Mỹ với châu Phi rất quan trọng, song phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Giới phân tích kỳ vọng, với những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, Washington sẽ bứt tốc trên hành trình gắn kết với khu vực châu Phi giàu tiềm năng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày