Thứ 6, 22/11/2024, 11:03[GMT+7]

Chuyển hướng sang sản xuất xanh để nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường EU

Thứ 2, 16/10/2023 | 13:26:38
903 lượt xem
Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức khởi động tiến trình đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Động thái này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh trên thế giới, song cũng đặt ra không ít thách thức cho các nước trong tiếp cận thị trường EU rộng lớn với hơn 500 triệu dân.

Bắt đầu từ đầu tháng 10/2023, CBAM áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon như xi-măng.

Theo Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU sẽ bị đánh thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Trong giai đoạn chuyển tiếp, bắt đầu từ đầu tháng 10/2023, CBAM áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao gồm xi-măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. 

Các nhà nhập khẩu của EU trong các lĩnh vực nêu trên phải giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất hàng hóa, song chưa phải trả bất kỳ khoản phí nào ở giai đoạn này. Giai đoạn chuyển tiếp cho phép Ủy ban châu Âu (EC) thu thập thông tin để chuẩn bị cho giai đoạn áp dụng CBAM tiếp theo, dự kiến bắt đầu vào năm 2026. 

Trong giai đoạn chuyển tiếp, bắt đầu từ đầu tháng 10/2023, CBAM áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao gồm xi-măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro.


Kể từ thời điểm đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua chứng chỉ khí thải CBAM nếu lượng khí thải trong quá trình sản xuất hàng hóa vượt quá tiêu chuẩn của khối.

CBAM không chỉ là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon, mà còn là một trong những trụ cột trong Chương trình Nghị sự 55 đầy tham vọng của EU nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải ròng của khối vào năm 2030 so mức của năm 1990. 

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, Paolo Gentiloni nhấn mạnh, CBAM ngăn chặn tình trạng các nhà sản xuất ở châu Âu chuyển hoạt động sản xuất đến các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn. 

Là cơ chế đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, CBAM được coi là một phép thử quan trọng để xem liệu việc định giá carbon có thể được thiết lập trên toàn thế giới như một phần trong nỗ lực hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu hay không. 

Do các quy định về đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU, doanh nghiệp tại các quốc gia ngoài EU phải có các biện pháp và trách nhiệm chung trong việc giảm thiểu khí thải, hoặc phải trả thuế khí thải trước khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Ngoài ra, CBAM được kỳ vọng tạo động lực phát triển thị trường carbon non trẻ ở nhiều nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, CBAM cũng đặt ra thách thức đối với các nước trong tiếp cận thị trường EU. Báo cáo của tổ chức nghiên cứu Carnegie Europe cho biết, các đối tác thương mại hàng đầu của EU như Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc… sẽ là đối tượng chịu nhiều tác động từ việc triển khai CBAM. 

Giới chuyên gia cho rằng, các nhà xuất khẩu của Anh có thể phải nộp hàng trăm triệu USD tiền thuế carbon cho EU trong thập niên tới bởi hiện giá khí thải của Anh đã thấp hơn 50% so mức của EU. Chính sách thuế carbon của EU áp dụng mức phạt đối với các nước có chi phí carbon thấp hơn đáng kể so với khối này. Vì vậy, giá khí thải của Anh giảm đồng nghĩa các nhà xuất khẩu của Anh sẽ phải chịu thuế carbon của EU khi thuế này có hiệu lực vào năm 2026.

Trong khi đó, Cục Đàm phán thương mại Thái Lan cũng nêu rõ, các doanh nghiệp Thái Lan có thể chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu trong khuôn khổ CBAM. Theo Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethum, dù không thu phí song giai đoạn chuyển tiếp cũng đặt ra thách thức lớn, do các doanh nghiệp thường thiếu giải pháp công nghệ cần thiết để xác định lượng phát thải carbon. 


CBAM không phải là bảo hộ thương mại mà là cơ chế bảo vệ tham vọng về khí hậu của EU.

Ủy viên Paolo Gentiloni 

Đối mặt những ý kiến trái chiều về việc EU áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, Ủy viên Paolo Gentiloni khẳng định, CBAM không phải là bảo hộ thương mại mà là cơ chế bảo vệ tham vọng về khí hậu của EU. Theo ông Gentiloni, không chỉ mang lại lợi ích cho liên minh 27 thành viên, CBAM còn góp phần nâng cao mức độ tham vọng về khí hậu trên toàn thế giới. 

Để giúp các nhà nhập khẩu EU và các cơ sở ngoài EU thực hiện những quy định mới, EC cũng cung cấp hướng dẫn chi tiết bằng văn bản, tài liệu đào tạo trực tuyến, bảng thông tin cụ thể theo ngành và danh sách kiểm tra từng bước để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Giới chuyên gia nhận định, thời gian tới, không chỉ EU mà nhiều thị trường khác cũng sẽ áp dụng chính sách nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu, bởi sản xuất xanh đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Đây là thách thức, song cũng là động lực và cơ hội để các nước sớm xây dựng và áp dụng cơ chế định giá carbon, thay thế dần năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch, áp dụng công nghệ thu hồi, giảm thiểu khí thải carbon, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày