Thứ 5, 26/12/2024, 18:40[GMT+7]

Gấp rút giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn

Thứ 6, 27/10/2023 | 14:50:44
1,341 lượt xem
Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, trong đó, riêng ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn là khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn là nền tảng của việc sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động - những sản phẩm thiết yếu trong thời đại công nghệ số.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được nhận định có nhiều tiềm năng tạo đột phá thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn là khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2022 đạt xấp xỉ 600 tỷ USD.

Trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng 2 con số để đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, cho biết dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt khoảng 6,12% giai đoạn 2022-2027.

Cùng sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực này.

Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đã xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành vi mạch điện tử (bán dẫn) đã được Chính phủ xác định là 1 trong 9 sản phẩm quốc gia.

Phát triển sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển hóa các thành tựu khoa học-công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Công nghiệp bán dẫn hiện là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất.

Do gia tăng nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông minh có sử dụng các linh kiện bán dẫn kéo theo ngành công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh, nhu cầu lao động ngành bán dẫn tăng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40-50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000-10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Thiếu hơn 80% nhân lực là sự thiếu hụt rất lớn, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Đây là vấn đề cần giải quyết bởi hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn đòi hỏi một số lượng lớn nhân lực ngành này.

Theo dự báo của chuyên gia, lĩnh vực bán dẫn trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 nhân lực và khoảng 50.000 kỹ sư từ trình độ đại học trở lên trong 10 năm tới.

Tăng cường đào tạo

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết công nghiệp bán dẫn, vi mạch là ngành có tiềm năng lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ, chất lượng cao.

Mặc dù đây không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới nhưng số sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp, dẫn đến việc thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn cả về số lượng lẫn chất lượng cao.

Gap rut giai quyet tinh trang thieu hut nhan luc nganh ban dan hinh anh 2Mỗi năm chỉ có khoảng 500-600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Việt Nam hiện có hơn 5.570 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh với trên 85%, tại Hà Nội khoảng 8% và Đà Nẵng khoảng 7%.

Mỗi năm chỉ có khoảng 500-600 sinh viên tốt nghiệp ngành bán dẫn từ các trường đại học của Việt Nam.

Để gia tăng nhanh số kỹ sư tốt nghiệp ngành bán dẫn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề cập đến giải pháp chuyển sinh viên các ngành học gần như điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, cơ điện tử sang đào tạo ngành bán dẫn để tăng tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm lên 3.000-4.000 người.

Thêm vào đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp trong ngành điện tử viễn thông, đã có kinh nghiệm làm việc trong các công ty liên quan đến thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Những nhân lực này nếu được đào tạo lại đúng chuyên ngành bán dẫn sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế.

Đào tạo lại những kỹ sư đã tốt nghiệp chuyên ngành gần bán dẫn là giải pháp nhanh chóng tăng lượng nhân lực ngành bán dẫn cung cấp cho thị trường lên mức 5.000-6.000 kỹ sư mỗi năm.

Để tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, giữa tháng 10/2023, 5 đơn vị gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng đã ký kết biên bản hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Đây là cơ sở để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp bán dẫn khai thác chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Lê Quân, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn thế giới, giai đoạn này, Việt Nam cần hình thành một vài chương trình đào tạo (kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ) và tập sự, tập huấn về vi mạch bán dẫn, vi cơ điện tử và linh kiện điện tử cho trường đại học phối hợp các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn. Qua đó, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề tốt, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho nghiên cứu và sản xuất của các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trong cả nước.

Việt Nam đã và đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035.

Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng hy vọng Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn.

Đề cập đến mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ nhu cầu của Việt Nam, còn đáp ứng nhu cầu khu vực và thế giới, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh đến sự chung tay hành động của Chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp bán dẫn, đặc biệt là các trường đại học công nghệ trong và ngoài nước.

Với sự quan tâm của Chính phủ, sự hợp lực của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp công nghệ, hy vọng những thiếu hụt về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực ngành bán dẫn sẽ được giải quyết để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ thời gian tới.

Theo vietnamplus.vn