Thứ 2, 06/05/2024, 03:59[GMT+7]

Cần giải pháp tích cực, hiệu quả để phát triển văn hóa theo chiều sâu

Thứ 2, 30/10/2023 | 14:40:42
911 lượt xem
Mặc dù tiêu chí về văn hóa đã đạt được trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Quốc hội cho rằng để văn hóa được chú trọng, có sự chuyển biến về chất thực sự, không chỉ đơn thuần là việc dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm những việc cụ thể nào.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Văn hóa mới được quan tâm nhiều ở vỏ bên ngoài, chưa rõ về chất

Sáng 30/10, thảo luận ở hội trường Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, với Chương trình xây dựng nông thôn mới, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ, có hai tiêu chí đã vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo và tiêu chí 16 về văn hóa.

Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, đây là điều đáng mừng, vì từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2022, chúng ta đang nỗ lực cao nhất tập trung nguồn lực và sự quan tâm để phát triển văn hoá.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng, dường như văn hoá mới chỉ được quan tâm nhiều ở vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng các thiết chế văn hóa, hoặc mới chỉ được quan tâm nhiều đến tính chất phong trào (số lượng làng, khu dân cư văn hoá) chứ chưa thực sự có chuyển biến rõ rệt về chất.

Dẫn báo cáo của Chính phủ về kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật qua từng năm 2021, 2022, 2023, đại biểu thấy rằng tội phạm về trật tự-xã hội đều có xu hướng tăng.

Trong đó, những tội phạm thể hiện rõ nhất sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giết người… đều tăng. Gần đây, vẫn tiếp tục diễn ra các vụ án bạo hành trẻ em dã man, bắt cóc trẻ em, giết người bằng những thủ đoạn tàn độc gây rúng động dư luận.

Bên cạnh đó, các hành vi lệch chuẩn văn hóa của những người có ảnh hưởng, đặc biệt có ảnh hưởng trong giới trẻ chưa bị lên án kịp thời; bạo lực học đường còn phức tạp. Việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trở thành mối lo lớn…

"Tất cả những điều đó có liên quan đến văn hóa không? Câu trả lời là có, là hệ quả của việc văn hóa chưa thực sự được chú trọng đúng mức từ chiều sâu", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường sáng 30/10. (Ảnh: DUY LINH).

Làm thế nào để văn hóa được chú trọng để có sự chuyển biến về chất thực sự, đại biểu cho rằng, không phải chỉ đơn thuần là việc dành bao nhiêu ngân sách cho văn hóa hay giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm những việc gì.

Theo đại biểu, chừng nào việc chấn hưng, phát triển văn hóa vẫn được coi là việc của ngành văn hóa thì chừng đó phát triển văn hóa còn khó khăn. Mỗi cá nhân phải coi chính bản thân mình, hành vi, thái độ của mình là một phần tất yếu của văn hóa xã hội, văn hóa cộng đồng để tự điều chỉnh, thì chừng đó mới có sự chuyển biến về chất.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa trong khi đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết, từ cấp Trung ương tới cơ sở.

Xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: DUY LINH).

Bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Đoàn giám sát, đại biểu Hoàng Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, ngoài chỉ cụ thể 3 ngành chủ trì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp ở các địa phương”.

Đại biểu cho biết, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó truy trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.

Từ đó, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.

Trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiện mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu.

Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Đồng tình với ý kiến nhiều kết quả thực hiện của 3 chương trình còn chậm và hạn chế, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung chương trình đến năm 2025 là rất khó khăn và các chỉ tiêu còn lại là rất khó thực hiện.

Trên cơ sở kết quả giám sát, đại biểu kiến nghị, việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là phù hợp nhưng đối với các vùng, khu vực thuộc đối tượng chính sách, có đối tượng chính sách cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và tập quán cư trú, không thể đánh đồng với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, cần xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Cùng chung ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp.

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Đại biểu cho biết, từ nay đến cuối năm 2025 còn hơn 2 năm thực hiện nhưng nhiều tiêu chí quan trọng còn cách xa với chỉ tiêu đặt ra như tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiêu chí về thu nhập, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm. Đại biểu nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng như sản xuất, thu nhập và giảm nghèo cần được ưu tiên đầu tư chú trọng.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết, cũng như cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu cho biết nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát bom mìn để giành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào.

Đại biểu đề nghị bổ sung, đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở vào báo cáo giám sát, nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi, cũng như cần phải bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động, tiết kiệm, tích lũy, tránh sa vào tệ nạn xã hội…

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày