Thứ 7, 23/11/2024, 05:43[GMT+7]

Cỗ máy khử mặn 49.000 lít nước biển một ngày

Thứ 5, 09/11/2023 | 08:17:26
1,001 lượt xem
Hệ thống khử mặn của công ty Oneka sản xuất lượng lớn nước ngọt mà không cần dùng điện, không thải khí carbon gây ô nhiễm và đe dọa sinh vật biển.

Video: C%E1%BB%97_m%Cn%C6%B0%E1%BB%9Bc_bi%E1%BB%83n_m%E1%BB%99t_ng%C3%A0y.mp4?_t=1699492402

Mô phỏng hoạt động của cỗ máy khử mặn nước biển do công ty Oneka chế tạo. Video: Oneka Technologies.

Oneka Technologies, công ty khởi nghiệp ở Canada, giới thiệu công nghệ khử mặn thân thiện với môi trường, hoạt động bằng cách sử dụng năng lượng từ sóng biển. Cách tiếp cận này có thể giúp các nước đáp ứng nhu cầu nước của dân số mà không phải lo ngại về tác động tới khí hậu.

Trong tổng lượng nước có sẵn trên hành tinh, chỉ 3% là nước ngọt có thể sử dụng. Phần còn lại là nước biển mặn không phù hợp để uống hoặc dùng trong công nghiệp. Những nhà máy khử mặn giúp tận dụng nguồn nước này cho một số mục đích. Tuy nhiên, khử mặn là quá trình đòi hỏi nhiều năng lượng và không có năng lượng nào đến từ nguồn tái tạo. Theo Hiệp hội Khử mặn Quốc tế, các nhà máy khử mặn tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh đó, giải pháp thân thiện với môi trường rất hữu ích khi thế giới tìm cách cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Nhà máy khử mặn thông thường hoạt động theo một trong hai phương pháp là dùng nhiệt hoặc màng lọc. Đối với quá trình dùng nhiệt, nước biển được đun nóng tới khi bay hơi, để lại muối lắng đọng. Nước bay hơi được làm lạnh, ngưng tụ và trữ sẵn để sử dụng. Ở phương pháp dùng màng lọc, nước biển chảy qua một màng bán thấm giúp giữ lại muối. Cách này cũng tốn nhiều năng lượng nhưng tương đối tốt hơn so với phương pháp dùng nhiệt.

Phương pháp khử mặn của Oneka là một cải tiến so với cách dùng màng lọc. Đó là sử dụng cỗ máy nổi neo vào đáy biển và hệ thống màng lọc vận hành nhờ năng lượng sóng. Cỗ máy hấp thụ năng lượng từ sóng và biến đổi thành lực cơ học, dùng để hút nước biển. Nước biển tuần hoàn bên trong hệ thống khử mặn và nước tinh khiết được bơm vào bờ cũng bằng lực cơ học.

Toàn bộ hệ thống dựa trên dẫn động cơ khí và hoạt động mà không cần điện. Cỗ máy khử mặn được chế tạo theo 3 kích thước, phiên bản lớn nhất cỡ 8 m x 5 m. Thiết bị cần sóng cao một mét để hoạt động. Cỗ máy lớn nhất có thể sản xuất 49.000 lít nước/ngày. Thiết kế máy dạng module có thể nối với nhau để cung cấp lượng nước lớn hơn nhiều.

Ngoài không thải carbon trong suốt quá trình, hệ thống rất thân thiện với sinh vật biển. Chất thải từ nhà máy khử mặn thông thường chứa nồng độ muối cao cần xử lý thêm trước khi xả ra biển. Nếu lượng muối quá cao, nó có thể giết chết sinh vật biển trong vùng, tạo ra vùng chết. Cỗ máy của Oneka sử dụng 3/4 nước biển hút cơ học để hòa với muối từ màng lọc và giải phóng ra biển mà không làm nồng độ muối trong nước biển tăng cao.

Nước biển được hút qua các lỗ cỡ 60 micron, quá nhỏ để sinh vật biển chui lọt. Theo công ty, neo của hệ thống cũng biến đổi thành rạn đá nhân tạo vài tháng sau khi lắp đặt.

Theo: vnexpress.net