Chủ nhật, 28/04/2024, 02:46[GMT+7]

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang “tăng tốc”

Thứ 7, 25/11/2023 | 10:48:48
2,018 lượt xem
Hội thảo “Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam” diễn ra ngày 24/11 đã trao đổi nhiều vấn đề nóng ngành.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo tại sự kiện

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ, Hội Sáng chế Việt Nam…, đại diện nhiều doanh nghiệp như BUSADCO, Savipharm, Thái Bình Seed, Sao Thái Dương… cùng trao đổi về các vấn đề "nóng" hiện nay như thể chế chính sách thúc đẩy thương mại hóa sáng chế, mở rộng thị trường, phát triển khoa học công nghệ; gỡ khó các vướng mắc về chính sách đối với doanh nghiệp KHCN; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo; bàn giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời đại số…

Theo các chuyên gia, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia… Đồng thời, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định rõ không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.

Việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam từng bước phát triển, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Ông Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhấn mạnh: Việc đầu tư phát triển KHCN là cốt lõi trong hoạt động doanh nghiệp KHCN. Cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, bảo hộ thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ công nghệ, sản phẩm KHCN Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ với kỳ vọng làm chủ thị trường trong nước và quốc tế.

Sự ra đời Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN là một bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp KHCN, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… giúp doanh nghiệp KH&CN có thêm điều kiện để phát triển.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, kết quả khả quan thì các chuyên gia đánh giá vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khó khăn trong việc đưa các sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, trong quá trình thực thi Nghị định 13/2019, kết quả mang lại cho các doanh nghiệp còn không ít hạn chế.

"Đề nghị Bộ KH&CN có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường theo hướng quy định chủ sở hữu và tác giả phải cam kết chịu trách nhiệm bồi thường thích đáng nếu có tranh chấp", đại diện Hiệp hội nhấn mạnh.

TS Trần Văn Tùng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, một vấn đề cũng rất cần thiết hiện nay là phải xây dựng kho dữ liệu về khoa học công nghệ, sáng chế.

"Nếu chúng ta liên kết tất cả các kho dữ liệu công nghệ, sáng chế lại với nhau, xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về công nghệ thì tất cả những ai cần đến sẽ truy cập vào đó hoàn toàn có thể tìm hiểu, lựa chọn công nghệ phù hợp. Các tỉnh phải là đầu mối cùng với các sở, ban ngành cùng xây dựng được cơ sở dữ liệu. Khi đó Việt Nam mới dần hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu công nghệ và việc quản lý mới thực sự hiệu quả", ông Tùng nói.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày