Thứ 7, 18/05/2024, 12:20[GMT+7]

Việt Nam - Pháp thúc đẩy nghiên cứu chung về biển và năng lượng

Thứ 4, 29/11/2023 | 08:38:12
939 lượt xem
Một trong số các nội dung hợp tác về khoa học công nghệ được Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp hiện thực hóa là các nghiên cứu về biển, năng lượng và công nghệ sinh học.

GS. Antoine Petit, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (trái) và GS. TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao bản ký kết năm 2023. Ảnh: USTH

Thông tin được chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) tổ chức tại Hà Nội sáng 28/11 với chủ đề "Kiến tạo tương lai". Sự kiện diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, được kỳ vọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo nhằm phát triển đội ngũ tri thức làm chủ khoa học công nghệ, góp phần kiến tạo tương lai cho sự phát triển bền vững của hai quốc gia.

Tại sự kiện Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đánh giá cao kết quả hợp tác của hai bên trong thời gian qua. Trong giai đoạn phát triển mới ông nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của khoa học, trong đó có giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ đại dương. Trong các lĩnh vực này, năm 2024 Pháp có nhiều hoạt động cụ thể trong hợp tác với Việt Nam về khoa học công nghệ. Đầu tiên là chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Pháp sẽ ký thỏa thuận hợp tác liên chính phủ.

Một hoạt động khác là chuyến tàu nghiên cứu hải dương về môi trường thủy hải sản Pháp sẽ đến Việt Nam thực hiện nghiên cứu chung tại Hải Phòng. Đại sứ Olivier Brochet đánh giá nghiên cứu hải dương "rất quan trọng trong đời sống con người và đa dạng sinh học Trái Đất, do đó cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghiên cứu giữa hai quốc gia".

Olivier Brochet phát biểu tại sự kiện. Ảnh: USTH

Olivier Brochet phát biểu tại sự kiện. Ảnh: USTH

GS. TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng kỳ vọng hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác đào tạo, xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ mới trên thế giới hiện nay như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học... phục vụ tăng trưởng xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Định ước hợp tác giữa Viện Khoa học Việt Nam (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) ký kết tại Paris năm 1983. Sự hợp tác mở ra cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam vượt qua rào cản cấm vận thời điểm đó, tiếp cận nền khoa học tiên tiến và môi trường học thuật hàn lâm, tiền đề cho những phát triển sau này của VAST.

Trong 40 năm qua, VAST và CNRS đã trao đổi các nhà khoa học sang thực hiện các nghiên cứu chung, tổ chức hội thảo và tăng cường các thiết bị nghiên cứu, hình thành và kết nối các nhóm nghiên cứu liên ngành. Đồng thời gia tăng nghiên cứu cơ bản tới ứng dụng, hướng tới hình thành những sản phẩm chất lượng cao, làm động lực cho đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Hơn 1.000 cán bộ nghiên cứu của Việt Nam được cử sang CNRS trao đổi khoa học, thực tập, tham dự khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Trong số đó hơn 100 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Về nước các cán bộ trở thành những cán bộ khoa học chủ chốt trong các phòng thí nghiệm của VAST. Hàng trăm đề án, đề tài được thực hiện với sự tham gia phối hợp của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp. Các nhóm, đơn vị nghiên cứu chung được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học hai nước hợp tác triển khai nhiều nghiên cứu và đào tạo chất lượng.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cũng thành lập năm 2009 trong khuôn khổ Hiệp định Liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Thông qua các hoạt động phòng thí nghiệm chung, khóa học chuyên đề hàng năm tại USTH với sự tham gia và hướng dẫn của các nhà nghiên cứu, giáo sư đầu ngành của CNRS, đã tạo cơ hội cho nhiều nhà khoa học trẻ học tập và nghiên cứu trong môi trường quốc tế, góp phần đưa USTH đạt trình độ quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày