Thứ 4, 08/05/2024, 09:07[GMT+7]

Các bước kiểm tra khi mua xe máy cũ

Thứ 4, 29/11/2023 | 11:13:20
4,067 lượt xem
Khi mua xe máy cũ, cần lưu ý kiểm tra kỹ các hạng mục như động cơ, tay lái, khung sườn, bánh, ống pô, thân xe, phanh, phuộc nhún.

Ảnh minh họa.

Thận trọng và kiểm tra kỹ là những yếu tố giúp tìm được một mẫu xe máy cũ với chất lượng tốt trong khi giá cả vẫn ở mức phải chăng. Có nhiều hạng mục cần kiểm tra khi mua xe máy cũ, có thể tự thực hiện mà không cần nhờ đến thợ hoặc người đã có kinh nghiệm về xe.

Động cơ

Đầu tiên cần kiểm tra khu vực xung quanh van ở vỏ ngoài động cơ xem có bị hiện tượng rò rỉ dầu hay không. Nếu có thể nên nổ máy trong một khoảng thời gian tầm 10-15 phút để xác định có dầu nhớt chảy ra ngoài khi đang vận hành. Cuối cùng kiểm tra kỹ các ống mềm, ống dẫn nhiên liệu động cơ xem có vết nứt, cắt hoặc đã lão hóa.

Hệ thống tay côn

Nếu xe có tay côn, phải đảm bảo hệ thống này hoạt động mượt mà, cắt ly hợp đúng thời điểm. Nếu cảm giác côn bị lỏng hoặc khựng, không hoạt động chính xác, rất có thể dây cáp bị khô, cần bôi trơn hoặc đã đến hạn thay thế. Nên kiểm tra vỏ cao su bảo vệ bên ngoài cây côn để kiểm tra các vết rạn, rách nếu có.

Xe trong cửa hàng bán xe máy cũ trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. HCM. Ảnh: Tân Phan

Xe trong cửa hàng bán xe máy cũ trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. HCM. Ảnh: Tân Phan

Khung xe

Bộ phận khung xe rất quan trọng vì là nơi gắn các thành phần của xe lại với nhau. Do đó, khung một chiếc xe cũ cần đảm bảo hoàn hảo, không bị nứt, rỉ sét nặng nhằm duy trì độ cứng, độ chịu lực.

Tay lái

Nếu tay lái, phanh, côn bị cong do ngã hoặc tai nạn, cảm giác lái có thể bị ảnh hưởng tùy vào mức độ hư hại. Tay lái không thẳng có thể khiến tài xế xử lý tình huống sai, hoặc xe không di chuyển theo hướng như ý muốn, nhất là ở tốc độ cao. Tài xế cũng nên kiểm tra tình trạng của vòng bi cổ lái bằng cách đưa tay lái về trái hoặc phải, đánh giá độ mượt mà khi chuyển hướng.

Lốp và vành

Để kiểm tra lốp và vành, cần đặt xe lên chân chống giữa. Sau đó dùng tay quay bánh sau để xác định lốp và vành có mòn đều hay bị phồng, nứt, cong, vênh. Trên lốp xe có ghi rõ thông tin tháng và năm sản xuất, do đó tài xế có thể xác định lốp cũ hay mới, từ đó có thể trả giá thêm khi mua xe nếu lốp đã cũ, cần thay thế.

Hệ thống ống xả

Cần đảm bảo hệ thống ống xả (pô) không bị hở hoặc rung mạnh khi hoạt động. Ống xả lúc rò rỉ sẽ có tiếng nổ xì, lớn đặc trưng. Nếu không khắc phục có thể dẫn đến tình trạng hao xăng hơn bình thường.

Thân xe

Kiểm tra các bộ phận trên thân xe như ốp nhựa hay đinh ốc để đảm bảo đủ và không bị hư hại nặng. Các tấm ốp không đồng đều, màu sắc khác biệt có thể là dấu hiệu cho thấy lớp ốp cũ của xe đã thay thế. Xe cũ sẽ không tránh khỏi các vết xước trong quá trình sử dụng, do đó nên cẩn trọng nếu mua xe cũ nhưng thân xe quá mới.

Hệ thống phanh

Đĩa phanh là nơi cần kiểm tra để đảm bảo bộ phận này không bị hư hại do chủ xe quên thay má phanh mòn, khiến đĩa phanh bị xước sâu trên bề mặt, làm giảm hiệu suất phanh. Phanh khi vận hành tốt sẽ không bị rung, có độ phản hồi tốt với thao tác bấm nhả của tài xế, và không phát ra tiếng động lạ khi không bóp phanh.

Hệ thống treo

Bộ giảm xóc bị chùng xuống, mất độ đàn hồi là dấu hiệu cho thấy bộ phận này bị hư hại. Xe cần phải được bảo dưỡng thường xuyên để bộ giảm xóc hoạt động trơn tru, nhất là với những xe trang bị các hệ thống giảm xóc chuyên nghiệp, đắt tiền. Cuối cùng cần kiểm tra xem có vết chảy dầu ở trên giảm xóc hay không.

Theo vnexpress.net