Thứ 6, 22/11/2024, 05:08[GMT+7]

Biopod - hệ thống trồng cây trong vũ trụ

Thứ 6, 01/12/2023 | 10:19:58
1,665 lượt xem
Các nhà khoa Pháp và Mỹ đã đưa ra giải pháp tạo ra một khoang kiểu tàu vũ trụ để tạo môi trường trồng cây lý tưởng có thể được sử dụng trên sao Hỏa.

Công ty Interstellar Lab đã thiết kế một hệ thống các khoang có môi trường được kiểm soát, mà một ngày nào đó có thể cho phép trồng cây trong vũ trụ.

Công ty này thiết kế các hệ thống cây trồng sống trong môi trường được kiểm soát trên Trái đất để phục vụ nông nghiệp bền vững, và khi được triển khai trong vũ trụ sẽ hỗ trợ cuộc sống của các phi hành gia.

Khoang trồng cây này được gọi là BioPod, cao gần 5 mét, với diện tích bề mặt là 55 m2 và có hình dạng cho phép dễ dàng triển khai. Hình dạng elip giúp dễ thông khí, sưởi ấm và làm mát.

Bà Barbara Belvisi, người sáng lập Interstellar Lab, cho biết: "Biopod giống như một nhà kính siêu tiên tiến sẽ thu thập CO2 từ khí quyển, tái chế nước, tối ưu hóa hoàn toàn các điều kiện. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đẩy nhanh tốc độ phát triển của thực vật, mà cụ thể hơn sẽ kích thích sản xuất các phân tử cụ thể bên trong thực vật. Và như vậy sẽ sử dụng ít tài nguyên hơn".

Biopod - hệ thống trồng cây trong vũ trụ - Ảnh 1.

Hệ thống Biopod được lấy cảm hứng từ công nghệ vũ trụ để cung cấp một hệ thống sản xuất hoàn toàn kín, được bảo vệ khỏi các điều kiện thời tiết và sự thay đổi theo các mùa. Hệ thống này có thể được triển khai nhanh chóng và không cần nền móng hoặc khả năng tiếp cận với nước.

Bên trong, sự kết hợp của các công nghệ đảm bảo cân bằng các điều kiện về khí hậu, dinh dưỡng và ánh sáng. Hệ thống này cũng có phần mềm giám sát và quản lý dựa trên AI cũng như dịch vụ bổ sung những tài nguyên đã sử dụng hết.

Phối hợp với NASA, phiên bản BioPod để sử dụng trên mặt trăng sẽ sẵn sàng vào năm 2027.

Việc duy trì dinh dưỡng cho các phi hành gia trong thời gian dài trong môi trường không trọng lực, khép kín của các phương tiện vận chuyển trong vũ trụ từ lâu đã đặt ra một thách thức đối với NASA. Trong hai thập kỷ qua, các phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế đã sống theo chế độ ăn chủ yếu là các bữa ăn đóng gói sẵn, cùng với một số sản phẩm tươi sống được các tàu tiếp tế đưa lên.

Tuy nhiên, nhu cầu sản xuất thực phẩm khép kín, ít chất thải, đòi hỏi nguồn lực tối thiểu đã trở nên rõ ràng hơn khi NASA đặt mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng và cuối cùng là thám hiểm sao Hỏa và xa hơn nữa.

Công ty Interstellar Lab có kế hoạch bán sản phẩm của mình với giá 350.000 USD (gần 8,5 tỷ đồng) sau khi sản phẩm này được thương mại hóa.

Theo vtv.vn