Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Đồng chí Vũ Thanh Vân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống của người dân
Qua nắm bắt tôi thấy đại đa số nhân dân đều rất vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính, tư pháp của tỉnh ta trong những năm qua. Đời sống người dân ngày càng nâng cao, đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự năng động, chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, tạo niềm tin giữa Đảng với dân, dân với Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân băn khoăn, trăn trở, chưa thấy thỏa đáng về những vấn đề như: môi trường, rác thải, xử lý rác thải; chính sách đất đai, an sinh xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư, thu hút đầu tư chậm tiến độ; giá bồi thường, hỗ trợ nông dân chuyển đổi khi bị thu hồi đất nông nghiệp thấp hơn so với một số tỉnh lân cận; bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Tôi đề nghị tỉnh nghiên cứu ban hành đề án an sinh, nhất là các chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận tiện. Cần tăng cường hơn nữa công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung và kế hoạch quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, nhà, tài sản trụ sở các xã cũ đã được sáp nhập vào xã mới hiện đang dư thừa, xuống cấp. Phân bổ nguồn vốn hợp lý để bảo trì các công trình cấp xã, công trình nông thôn mới. Đẩy nhanh việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sớm nghiên cứu việc sắp xếp tách, nhập các trường đã sáp nhập giai đoạn trước. Tiếp tục nghiên cứu, đề ra giải pháp ổn định giá cả, tiêu thụ sản phẩm; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả và những vấn đề nhân dân còn băn khoăn, trăn trở, bảo đảm ổn định đời sống người dân.
Đồng chí Lại Hợp Mạnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Tăng cường đấu tranh đối với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Năm 2023, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo đảm, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm từng bước được nhận diện và phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục gia tăng diễn biến phức tạp so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn phạm tội mới. Qua công tác kiểm sát cho thấy một số loại tội phạm có xu hướng tăng cao như: sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm về ma túy… Vì vậy, tôi đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát và chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; chủ động, tích cực phát hiện, tố giác vi phạm, tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm; quan tâm, chú trọng thực hiện các kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực mà viện kiểm sát đã kiến nghị. Hiện nay, cử tri cũng rất quan tâm đối với tình trạng lừa đảo qua mạng. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, thường xuyên cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội để giúp người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng. Bản thân mỗi người dân cũng cần tự mình học hỏi, nâng cao hiểu biết để sàng lọc thông tin, chọn cách tiếp cận, sử dụng an toàn, tránh bị lừa đảo. Đồng thời đề nghị ngành chức năng cần nghiên cứu tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp điều tra, xử lý các hành vi phạm tội này để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng hạn chế mặt trái, tác hại đối với nhân dân.
Đại biểu Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình (Tổ trưởng Tổ đại biểu thành phố).
Khẩn trương thực hiện đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý
Thời gian qua, thành phố Thái Bình đã triển khai quyết liệt, bài bản trong tổ chức thực hiện Đề án di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư khu vực ven sông Trà Lý, được đa số nhân dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Đã có 48/61 hộ gia đình, cá nhân và 100% các doanh nghiệp có đơn đề nghị tự nguyện di chuyển trước thời hạn hoặc cam kết tự nguyện di chuyển khi đến hạn. Chuẩn bị địa điểm phục vụ di chuyển đối với các doanh nghiệp đã chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Gia Lễ, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc giai đoạn 1 các thủ tục di chuyển đến khu công nghiệp Gia Lễ và đến nay đã có 4/6 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó 2 doanh nghiệp được cho thuê đất. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công nghiệp Ninh An (Kiến Xương) để phục vụ di chuyển các doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án (giai đoạn 2); hiện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhà đầu tư đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Đối với trụ sở các cơ quan, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo để phục vụ di chuyển 5 cơ quan, đơn vị, dự kiến trước ngày 31/12/2023. Đối với các hộ dân đã chuẩn bị đầy đủ quỹ đất, xây dựng phương án bố trí tái định cư cho các hộ tại khu dân cư tái định cư Đồng Lôi (phường Kỳ Bá). Đối với các bến bãi vật liệu xây dựng đã cập nhật các vị trí quy hoạch bến bãi mới tại huyện Vũ Thư và huyện Đông Hưng với tổng diện tích 5,6ha vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được thành phố triển khai thực hiện quyết liệt, đến nay đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 48/61 hộ có đơn đề nghị trước hạn với kinh phí khoảng 117,4 tỷ đồng và 9/12 đơn vị doanh nghiệp với số tiền 88,3 tỷ đồng; hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với các đơn vị, hộ gia đình thuê đất không đúng quy định và 3/3 điểm bến bãi. Thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp, đơn vị, hộ gia đình thuộc giai đoạn 2 để chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển và sản xuất kinh doanh phù hợp với tiến độ thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Xuân Khánh, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải (Tổ Tiền Hải)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế biển, đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Trong công tác quy hoạch đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện lập quy hoạch hai huyện ven biển, quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phân vùng sử dụng khu vực đất liền ven biển và không gian biển rất cụ thể. Đã trình Chính phủ thành lập Khu kinh tế Thái Bình với quy mô trên 30.000ha, thành lập các khu công nghiệp, đô thị dịch vụ trong khu kinh tế; ban hành các cơ chế chính sách, quy định, kế hoạch, hướng dẫn để triển khai thực hiện đồng bộ; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng thực chất và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong khu kinh tế, khu vực ven biển được quan tâm đầu tư. Mạng lưới giao thông dần được hoàn thiện kết nối 2 huyện ven biển với trung tâm thành phố Thái Bình và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước... Để tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn bảo vệ môi trường và thích ứng phó với biến đổi khí hậu, theo tôi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển bền vững kinh tế biển gắn bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tại. Đối với việc xây dựng, phát triển Khu kinh tế, cần thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Thái Bình bảo đảm phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế biển, định hướng phát triển không gian biển, lấn biển. Đồng thời điều chỉnh các quy hoạch khác cho phù hợp với quy hoạch chung khu kinh tế. Sớm hoàn thành các quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế làm cơ sở thu hút đầu tư. Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch theo hướng đồng bộ hiện đại, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với các giá trị biển và bảo vệ môi trường.
Đại biểu Thái Thị Thu Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy (Tổ Thái Thụy)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Mặc dù tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022, chưa đạt kế hoạch HĐND tỉnh đặt ra nhưng cũng cao hơn gần 50% so với mức bình quân cả nước. Thu nội địa của tỉnh năm 2023 đạt 10.189 tỷ đồng, hoàn thành và vượt dự toán thu nội địa được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh duy trì tốp dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo, đem lại nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt cả về chất lượng, số lượng dự án. Đến nay, tổng số vốn thu hút đầu tư của tỉnh đạt 42.336,9 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả ấn tượng với số vốn dự kiến cả năm 2023 đạt trên 1 tỷ USD... Để hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, theo tôi cần tiếp tục kiên trì thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp cụ thể theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025. Triển khai giải pháp phải thực chất xuất phát từ yêu cầu thực tiễn để giải quyết đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh. Nâng cao chất lượng toàn diện và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tỉnh; khơi thông các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ, hiệu quả các nguồn đầu tư; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng; quan tâm toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết vốn đầu tư công được giao, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Đại biểu Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư (Tổ trưởng Tổ đại biểu Vũ Thư)
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ
Với tiềm năng, lợi thế về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Thái Bình có dư địa phát triển du lịch ở nhiều loại hình, phân khúc khác nhau với tầm nhìn trước mắt và lâu dài, trong đó phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại dịch vụ là một hướng đi phù hợp, có thể làm ngay. Để làm được điều này đòi hỏi tỉnh vừa phải có chiến lược, vừa phải có cách làm chuyên nghiệp, bài bản, đồng thời phải có sự phối hợp, liên kết giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành với các cơ sở lưu trú và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn một cách chặt chẽ. Vì vậy, tôi xin đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới đó là phải làm tốt công tác quy hoạch tạo động lực cho phát triển du lịch. Các địa phương quan tâm quy hoạch chi tiết không gian của các trang trại, nhà vườn gắn phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; quy hoạch phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những món quà lưu niệm, đặc trưng, sản phẩm OCOP; các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết, tạo ra những sản phẩm, tour tuyến du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến là vấn đề mà chúng ta cần phải lưu tâm. Xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, cần có sản phẩm mang tính đặc thù; trong các chương trình hợp tác cần phải dựa trên cơ sở cùng thống nhất theo chuỗi liên kết đã tính đến đặc trưng tài nguyên và lợi thế của Thái Bình. Tập trung nguồn lực cải thiện, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch. Thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng bao quát toàn diện đến các đối tượng liên quan đến phát triển du lịch. Chú trọng công tác xúc tiến, thông tin và quảng bá du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch và kết nối dữ liệu với các ngành khác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường du lịch và hỗ trợ, tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Đại biểu Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (tổ Tiền Hải
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp hoạt động hầu hết trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng vạn lao động trong tỉnh. Trong những thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ nét ở mức độ nộp ngân sách. Mặc dù đã nhận được nhiều sự quan tâm từ Trung ương tới địa phương song hiện nay cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp không thể duy trì đủ việc làm cho người lao động, không ít doanh nghiệp đã phải giảm một phần công suất, đặc biệt cũng có một số doanh nghiệp phải đóng cửa do không còn khả năng hoạt động. Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc tổ chức sản xuất để cạnh tranh với môi trường quốc tế còn rất hạn chế và khó khăn. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp giải quyết được những khó khăn trong giai đoạn hiện nay cũng như năm 2024, tôi mong Đảng, Nhà nước và các cấp tiếp tục hỗ trợ giảm thuế VAT trong năm 2024 để kích thích tiêu dùng, xuất khẩu. Tiếp tục giảm tiền thuê đất và chậm trả với điều kiện tốt nhất cho năm 2024. Hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, với các khế ước được giải ngân và tìm các giải pháp tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực để hoàn thành tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường song song với quốc lộ 10 để phục vụ cho công tác vận chuyển và lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp. UBND tỉnh cùng các sở, ngành sớm bố trí cho khu công nghiệp Tiền Hải khu vực xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn. Cùng với đó, cho phép các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Tiền Hải cũ được đổi, chuyển khu hạ tầng về phía nam của các doanh nghiệp (giáp đường số 5). UBND tỉnh hỗ trợ, tác động với Tổng Công ty khí Việt Nam điều chỉnh giảm giá khí đốt để các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có điều kiện tạo thêm việc làm cho người lao động, đồng thời cấp khí cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhưng không nằm trong khu công nghiệp.
Thu Thủy – Nguyễn Hình
Tin cùng chuyên mục
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XVQuốc hội thảo luận về các dự án luật 29.10.2024 | 16:53 PM
- Giám sát chuyên đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Sở Thông tin và Truyền thông 23.10.2024 | 17:07 PM
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khảo sát tình hình triển khai, thi hành Luật Khoáng sản 18.09.2024 | 18:55 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- HĐND huyện Kiến Xương: Tổ chức kỳ họp chuyên đề bầu Chủ tịch UBND huyện 12.08.2024 | 15:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- HĐND huyện Tiền Hải: Tổ chức kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất 14.06.2024 | 21:04 PM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình