Chủ nhật, 24/11/2024, 23:36[GMT+7]

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ phong trào đến thực tiễn

Thứ 5, 17/09/2020 | 08:40:30
7,737 lượt xem
Sau 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Phong trào đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường sạch, đẹp, an toàn, nâng cao hiệu quả các thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở.

Các câu lạc bộ chèo ở các địa phương trong tỉnh vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống vừa góp phần tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Với vị trí địa lý nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình có sự phát triển về kinh tế khá và đều đặn theo từng giai đoạn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng với đó, việc xây dựng đời sống văn hóa được lồng ghép và gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở khắp các địa phương trong tỉnh đã góp phần tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho mỗi vùng quê.

Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa đi vào thực tiễn cuộc sống của mỗi người dân, từ năm 2000 - 2020, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành trên 400 văn bản các loại để kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào. Hàng năm, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hội nghị truyền thông nhằm phổ biến các quy định về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở như: hội nghị về xây dựng nếp sống văn hóa; hội nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy; hội nghị truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hội nghị truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS... với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó, mỗi người dân đều xác định được vai trò chủ thể của mình trong phong trào và có sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng tham gia xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh.

Là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh được tuyên dương trong dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam, ông Trần Thế Trích, xã Minh Tân (Kiến Xương) luôn nỗ lực trong việc xây dựng và tham gia phong trào tại địa phương. Ông Trích chia sẻ, gia đình ông không có điều kiện về kinh tế nhưng bởi có khoảng sân rộng nên chiều nào cũng vậy, ông đều kêu gọi bà con trong xóm, ngoài làng đến chơi cầu lông, bóng bàn, tập dân vũ, ngâm thơ, hát chèo..., vừa nâng cao tinh thần tập luyện thể dục thể thao, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm. Cùng với gia đình ông Trích, góp phần vào thành công chung của phong trào còn có rất nhiều gia đình tiêu biểu khác như: gia đình ông Đào Quang Hồng, xã Vũ An (Kiến Xương) ủng hộ hàng trăm mét vuông đất xây dựng công trình phúc lợi của xã; gia đình ông Trần Xuân Nội, xã Hồng Phong (Vũ Thư) tích cực vận động nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo...

Sau 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ở khắp các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có gần 10.000 đám tang. Đến nay, trên 90% số đám tang đã thực hiện tốt quy định về nếp sống văn hóa. Trong đó, nhiều địa phương đã triển khai mô hình đám tang thực hiện nếp sống văn minh như các xã Thụy Ninh, Thụy Chính (Thái Thụy), Vũ Đoài (Vũ Thư). Bên cạnh đó là mô hình UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức lễ tang cho nhân dân tại xã Thanh Tân (Kiến Xương); mô hình khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho đám tang lựa chọn hình thức hỏa táng tại xã An Khê (Quỳnh Phụ); mô hình tổ chức lễ tang do UBND xã đứng ra điều hành tại xã Bắc Sơn (Hưng Hà)... Việc quy hoạch và quản lý nghĩa trang trên địa bàn tỉnh cũng đi vào nền nếp với 100% nghĩa trang được quy hoạch đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả đó là bởi các huyện, thành phố đều tiến hành hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân bảo đảm đúng theo Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu. Trong các kết quả đạt được, phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố, khu phố văn hóa thể hiện chất lượng và chiều sâu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến năm 2019, toàn tỉnh có 93,1% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Năm 2020, toàn tỉnh có 99,8% thôn, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa.

Đánh giá về hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau 20 năm thực hiện, Thái Bình là một trong những tỉnh tiêu biểu trong cả nước về thành tích thực hiện xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy, lối sống mới từng bước được hình thành; nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị; các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển; việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện theo đúng quy định; diện mạo, cảnh quan môi trường nông thôn khởi sắc, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi. Những kết quả của phong trào đã góp phần tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được gắn kết với phát triển văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, hoàn thiện và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa, tạo động lực để phát triển văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Tú Anh