Thứ 7, 23/11/2024, 16:21[GMT+7]

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”

Thứ 2, 27/02/2023 | 16:39:26
9,902 lượt xem
Sáng ngày 27/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Thái Bình.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên  Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. 

Dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Thái Bình có đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. 

Năm 1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã đi vào lịch sử như một bản cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "nền văn hoá xã hội chủ nghĩa".

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp nhân dân những hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua. 

Tại hội thảo, các đại biểu làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của Đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Trước hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 173 tham luận gửi đến hội thảo, khẳng định vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và ý nghĩa thiết thực của hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Các ý kiến tham luận, phát biểu tại hội thảo đã thống nhất đánh giá vai trò và giá trị to lớn của Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh ở vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển đi lên, chính vì vậy những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc: khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi vẻ vang.  

Tú Anh