Thứ 6, 22/11/2024, 01:13[GMT+7]

Gạo Thái Bình

Thứ 2, 24/06/2013 | 08:32:48
2,076 lượt xem
Khi nhắc đến vật chất, đâu đâu cũng gặp nhau ở lời đúc kết cửa miệng: “Quý như vàng”. Nếm trải bài học sinh tử, riêng người Thái Bình lại hoàn chỉnh thêm được một câu so sánh đậm chất triết lý: “Hạt gạo quý như vàng”. Vì sao hạt gạo được xếp ngang hàng với hạt vàng?

Ảnh: Hữu Dụng (Thành phố Thái Bình)

Dù lịch sử dân tộc Việt bao giờ cũng song hành với cây lúa nước. Dù nói đến thứ vật chất được trân trọng từ thời khởi thủy của người Việt ắt phải kể bánh chưng, bành dày chứ đâu phải vàng bạc châu báu. Lại nữa, suốt hành trình nhân sinh người Việt mình đời nối đời không quên nhắc nhở nhau về nỗi cực nhọc cuốc bẫm cày sâu, hai sương một nắng để làm ra hạt thóc hạt gạo:

 

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”...

 

Thế là, bàn về hạt gạo Việt Namon> từng đã có thiên kinh vạn quyển. Vậy nhưng, cũng từ câu hỏi này nếu không tìm đến cộng đồng cư dân Thái Bình hẳn sẽ không có được lời cắt nghĩa trọn vẹn.

 

Nói không quá đâu, ngay hôm nay đây nhiều bậc cao niên Thái Bình vẫn giật thót khi phải gợi đến mấy chữ “Năm Ất Dậu”, “Tháng Ba đói”. Không kinh hoàng, không căm phẫn sao được trước cảnh cả nhà, cả làng, cả huyện, cả tỉnh rã rời vì đói trong khi hàng núi gạo của đất này bị thực dân, phát xít vơ vét ném vào cuộc thế chiến vô nghĩa. Nhiều gia đình, nhiều dòng tộc chết không sót nổi một người. Bờ sông, góc chợ, chân cầu, ven đê... chỗ nào cũng nhan nhản xác đồng bào ruột thịt. Mảnh đất được mệnh danh “vựa lúa” Thái Bình chỉ phút chốc biến thành tỉnh đau thương bậc nhất xứ Bắc Kỳ.

 

Năm Ất Dậu 1945 làng xóm Thái Bình xác xơ tiêu điều vì thiếu hạt gạo. Năm Ất Dậu 1945 người dân Thái Bình tay bị, tay gậy vì thiếu hạt gạo. Tháng Ba Ất Dậu, thứ mà người Thái Bình khao khát không phải vàng bạc mà là hạt gạo. Hạt gạo giữa giây khắc sinh tử này không chỉ “như vàng” mà còn quý “hơn cả vàng”. May thay, lời kêu gọi của Việt Minh đã kịp thời đến như một phép màu cứu mệnh. Từ những ngõ ngách, xóm làng hấp hối, mọi người nhất tề đứng dậy đạp lên súng đạn đoạt bằng được các kho thóc gạo tiến tới xóa sạch bộ máy áp bức bóc lột. Sau khi chính quyền nhân dân được xác lập vào ngày 19-8-1945, phong trào “Hũ gạo cứu đói” do cụ Hồ đích thân khởi xướng đã dấy lên mạnh mẽ trên khắp tỉnh Thái Bình. Ði tới đâu cũng bắt gặp nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Từ người chưa mấy đủ đầy đến những nhà có chút ít dư dật không gia đình nào không trân trọng “Hũ gạo cứu đói”.

 

Bước vào giai đoạn kháng chiến trăm bề thiếu thốn, từ mẫm cảm “hạt gạo quý như vàng”, từ “Hũ gạo cứu đói” đã thành “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”. Với phương châm “tự lực cánh sinh”, hạt gạo Thái Bình đã kiêu hãnh đóng vai thứ vũ khí hiệu nghiệm góp lửa cho những chiến tích oai hùng suốt 9 năm chống thực dân Pháp. Ai cũng biết ngày ấy giữa thế trống trải lại dày đặc đồn bốt tháp canh, Thái Bình khó có thể tàng trữ quân lương, liền thấy ngay hàng trăm, hàng ngàn nhà dân trở thành “kho” dã chiến thường xuyên, kịp thời cung cấp hạt gạo cho bộ đội ấm bụng đánh thắng giặc. Ðây là hình thức hậu cần độc nhất vô nhị không quân đội một quốc gia nào dễ dàng thực hiện được.

 

Từ bài học đánh Pháp, hơn chục năm sau, hạt gạo Thái Bình lại nức tiếng trong khói lửa thời chống Mỹ. Ðịch dã tâm trút bom, phóng tên lửa phá cống Trà Linh, cống Lân, đê Trà Lý... Người Thái Bình thi gan với giặc, với trời bằng quyết tâm phi thường: “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”, “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”... Giữa ngày khó khăn vây bủa, lần đầu tiên trong lịch sử canh tác Việt Namon> cũng như toàn xứ Ðông Dương, Thái Bình kiêu hãnh với kỷ lục: 5 tấn thóc trên 1 héc ta. Hướng tới tiền phương, Thái Bình hiên ngang tư thế “Thóc không thiếu một cân”. Thêm lần nữa hạt gạo Thái Bình lại ùn ùn tuôn vào chiến trường, tuôn đi muôn nơi góp phần quét sạch lũ xâm lăng thu trọn giang sơn bờ cõi. Ðã xa lắm cảnh người làm ra gạo phải xếp hàng xin cháo hoa phát chẩn như thuở Ất Dậu đau thương.

 

Giờ này đây gần 2 triệu dân Thái Bình nhờ hạt gạo đã nhà cao cửa rộng, đã bát ăn, bát để. Theo đà công nghiệp hóa và đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhà máy công xưởng sẽ mọc lên xen kẽ những làng mạc trù phú khắp đó cùng đây. Vậy nhưng, bằng trải nghiệm suốt hành trình nhân sinh, người Thái Bình luôn ghi lòng tạc dạ lời dạy kinh điển của cha ông: “Dĩ nông vi bản”. Hạt gạo Thái Bình sẽ lại góp phần để Việt Namon> mình mãi mãi rạng rỡ danh hiệu “Cường quốc lúa gạo”.

 

Tùy bút của  Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3, Thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy)

  • Từ khóa