Chủ nhật, 24/11/2024, 09:16[GMT+7]

Nguyễn Ngọc Thường - 80 tuổi vẫn đam mê viết báo, làm thơ

Thứ 2, 08/07/2013 | 14:08:13
2,055 lượt xem
Về xã Thụy Văn (Thái Thụy) hỏi thăm ai cũng biết cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thường. Dù đã 80 tuổi nhưng ông Thường vẫn đam mê viết báo, làm thơ, tích cực tham gia công tác xã hội, được dân làng tin yêu, nể phục.

Ông Nguyễn Ngọc Thường bên những tập truyện ký đã được xuất bản.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông trông vẫn khỏe mạnh, tinh anh và minh mẫn lạ thường. Vốn là chiến sĩ Ðiện Biên, trực tiếp tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ, sau đó đi học sư phạm, làm thầy giáo nhưng trong ông lúc nào cũng đam mê văn chương. Thời còn công tác, công việc bận mải, thêm gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nhưng ông vẫn làm thơ tặng bạn bè, rồi mạnh dạn gửi đăng báo. “Nương bắp Mèo Vạc” là bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Việt Namon> độc lập và Văn nghệ Tây Bắc, cũng là bước khởi nguồn để đưa ông đến nghiệp viết sau này.

 

Năm 1991, sau khi nghỉ hưu, ông giành thời gian chuyên tâm cho việc viết lách. Ông hăm hở như chưa bao giờ được viết, rồi gửi bài cho Báo Thái Bình, nhưng gửi tới 14 - 15 bài mà không được đăng bài nào. Buồn nhưng không nản, Nguyễn Ngọc Thường nghiên cứu kỹ phong cách của từng loại báo, tạp chí, thể loại tin, phóng sự, bài phản ánh, phê bình, ký sự, văn học và tìm ra nguyên nhân bài  không được đăng là do mình viết văn chứ không phải viết báo. Nhờ vậy năm 1992, ông có bài đầu tiên được đăng trên Báo Thái Bình: “Từ Dành - nơi thờ 4 vị tướng phò vua Lê Thái Tổ”.

 

Cũng nhờ bài báo này, cán bộ Bảo tàng Thái Bình đã về  Thụy Văn nghiên cứu, tìm hiểu các chứng tích, văn bia, sắc phong và đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận Từ Dành là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Mừng vui khôn xiết, ông càng tích cực đi nhiều, lượm lặt, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ mọi người, viết càng nhiều hơn. Những năm tháng sống, chiến đấu vào sinh ra tử cùng đồng đội ở Ðiện Biên Phủ, thực tế sinh động ở những nơi đã từng công tác, cội nguồn văn hóa, cuộc sống của những người sống xung quanh chính là kho tư liệu quý giá để ông khai thác và viết.

 

Nhìn lại chặng đường gần 25 năm cầm bút của một nhà báo, nhà văn nghiệp dư, đến nay Nguyễn Ngọc Thường đã viết hàng trăm bài đăng ở Báo Thái Bình, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Tạp chí Văn hóa - Thể thao Thái Bình, Báo Quân đội nhân dân, Báo Cựu chiến binh, Báo Người cao tuổi và nhiều báo, tạp chí khác. Ðiển hình như các bài: “Ngày tết nói về hoa”, “Ðịu cái nghề về quê”, “Mình vì mọi người”, “Thực sự là công bộc của dân”, “Rước lửa đêm giao thừa và hái lộc”, “Bác Hồ đặt tên núi Mác - suối Lênin và làm thơ ở Cao Bằng”, “Tiến ra biển lớn”, “Cao nguyên đá Hà Giang”, “Nhớ mãi về một người thầy”, “Ðảng viên đi trước làng nước theo sau”, “An Ðịnh làng văn hiến - làng văn hóa”…

 

Trong số những bài Nguyễn Ngọc Thường đã viết, có gần 100 bài ký, truyện ngắn và đặc sắc nhất là những câu chuyện, những sự kiện diễn ra xung quanh chiến dịch Ðiện Biên Phủ như: “Chiếc hầm kèo”, “Kéo pháo vào Ðiện Biên Phủ”, “Bộ đội ta kéo pháo ra Ðiện Biên Phủ”, “Một mệnh lệnh chiến đấu vang dội núi sông”, “Ðội phẫu thuật tiền phương”, “Huyền thoại về pháo binh Việt Nam”, “Hoa mai nở giữa rừng”… Những bài viết này chứa đựng giá trị hiện thực, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn sự hy sinh của dân tộc, của những người lính để có một chiến thắng Ðiện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

 

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 2003 ông được kết nạp hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình, từ đó những sáng tác của ông càng thêm sâu sắc. Một số tác phẩm đã đạt giải trong các cuộc thi như: “Ðội phẫu thuật tiền phương” đạt giải ba cuộc thi “Âm vang Ðiện Biên”, “Sài Gòn trong mắt tôi” đạt giải khuyến khích cuộc thi viết về bản hùng ca đại thắng mùa xuân năm 1975 do Trung ương Hội CCB và Ðài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, giải nhì chùm bút ký “Chiếc hầm kèo” trong cuộc thi viết về lực lượng vũ trang Thái Bình do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình tổ chức… Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều phần thưởng do các báo, cơ quan khác trao tặng.

 

Ðến nay, ông đã xuất bản 4 tập truyện ký, trong đó phần lớn là các bài đã đăng trên báo, tạp chí gồm: “Ðiện Biên Phủ - một thời trai trẻ”, “Chiếc hầm kèo”, “Vượt dốc”, Tập truyện ký và 2 tập thơ “Hương quê”, “Mừng thọ”. Một số bài được chọn in chung vào các tập sách của một số nhà xuất bản. Có nhiều bài đã được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân chọn đăng trong tập: “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội”, nhiều bài được phát trong buổi phát thanh Cựu chiến binh Việt Namon> của Ðài Tiếng nói Việt Namon>.

 

Không chỉ đam mê viết báo, làm thơ, Nguyễn Ngọc Thường còn là thành viên trong Ban tư vấn làng, tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng đình, chùa làng An Ðịnh. Ông chia sẻ rằng: “Chính thơ văn, báo chí, tham gia hoạt động của làng, của xã  giúp tôi khỏe mạnh, minh mẫn. Vì vậy, khi còn sức khỏe tôi vẫn làm những công việc thường nhật nếu dân làng cần và viết cho đến hơi thở cuối cùng nếu độc giả vẫn tin yêu và đón nhận”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa