Sức sống của nghệ thuật chèo truyền thống trong xã hội đương đại Kỳ 1: Từ sân trường đến bảo tồn nghệ thuật
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, 100% trường học đưa nghệ thuật chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy. Nhiều cách làm hay, sáng tạo và phù hợp đã được thực hiện ở các cấp học, khuyến khích trẻ nhỏ làm quen, tập hát, múa, diễn chèo theo cách tự nhiên, hào hứng nhất, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tài năng nhí được “ươm mầm” phát triển. Không chỉ mạnh dạn thể hiện niềm đam mê ở sân khấu học đường, nhiều em nhỏ đang dần trở thành “hạt nhân” tiêu biểu góp phần bảo tồn nghệ thuật cổ truyền của quê hương.
Múa hát chèo tại Trường Tiểu học Đông Hoàng (Tiền Hải).
Ươm mầm tài năng
Sôi nổi, tự tin trong vai trò dẫn dắt, kết nối các tiết mục tại liên hoan “Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các bé Nguyễn Duy Phong, Hoàng Đỗ Thu Hà, khối lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Hồng Tiến (Kiến Xương) say mê thể hiện năng khiếu nghệ thuật trên sân khấu, thu hút đông đảo khán giả quan tâm, cổ vũ. Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn của cả Duy Phong và Thu Hà nhưng nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của cô giáo, các em đã thuần thục trong việc giới thiệu nhiều làn điệu chèo như: đào liễu, chức cẩm hồi văn, luyện năm cung, tứ quý... Tại Trường Mầm non Hồng Tiến, thông qua đa dạng hoạt động học và trải nghiệm, đặc biệt là việc được đóng kịch, biểu diễn những câu chuyện, bài ca dao, dân ca gần gũi, quen thuộc, trẻ nhỏ ngày thêm gắn bó với nghệ thuật chèo.
Bà Đặng Thị Vân, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kiến Xương cho biết: Ở cấp học mầm non, các nhà trường đã quan tâm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về nghệ thuật chèo; đưa nội dung giáo dục văn hóa truyền thống lồng ghép vào chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương. Đến nay, phụ huynh học sinh và nhân dân rất đồng tình ủng hộ, phối hợp hiệu quả với các nhà trường để đưa nghệ thuật chèo truyền thống vào trường học. Nhiều giáo viên có năng khiếu hát chèo đã tự sáng tác các bài hát chèo, chuyển thể các tác phẩm văn học, bài ca dao, dân ca phù hợp với độ tuổi của trẻ mầm non thành các kịch bản chèo hấp dẫn. Các hoạt động này góp phần “ươm mầm” và gieo vào lòng con trẻ từ tuổi ấu thơ cảm xúc yêu mến và say mê tìm hiểu về nghệ thuật chèo. Ngoài ra, việc làm quen với nghệ thuật chèo cũng góp phần tạo môi trường giáo dục thân thiện, thực hiện chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”.
Sôi nổi phong trào tập luyện, biểu diễn chèo trong các trường mầm non.
Hình thành thế hệ tiếp nối
Không riêng ở lứa tuổi mầm non, việc phát triển tài năng nghệ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tài năng nhí được “tỏa sáng”, nuôi dưỡng đam mê đối với nghệ thuật chèo. Nhờ vậy, cả 4 lần cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình được tổ chức đều có các thí sinh đạt giải cao ở loại hình nghệ thuật chèo. Trong đó, phải kể đến cuộc thi lần thứ 2 năm 2018 với em Lê Quang Vinh (thành phố Thái Bình) đạt giải nhất sau khi thể hiện xuất sắc tiết mục hát chèo “Quán Nghinh Hương”. Được gia đình và thầy cô đồng hành, nỗ lực ủng hộ phát triển đam mê, năng khiếu nghệ thuật chèo, sau cuộc thi, em Lê Quang Vinh tiếp tục thử sức ở nhiều cuộc thi, hội thi toàn quốc. Năm 2020, em đạt giải “Giọng hát thiếu nhi hay nhất” với bài hát chèo “Nhớ lắm trường ơi” tại cuộc thi tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2022, em cùng tốp múa Trường THCS Trần Phú đạt huy chương vàng hội thi giai điệu tuổi hồng toàn quốc với liên khúc xẩm - chèo - chầu văn. Thành công này đã góp phần vào giải nhì toàn đoàn của ngành giáo dục tỉnh Thái Bình ở hội thi giai điệu tuổi hồng toàn quốc. Song song với việc học tập tại trường, Lê Quang Vinh còn tích cực tham gia cùng các CLB chèo của địa phương phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng. Năm 2023, em là một trong những thành viên tiêu biểu của đội văn nghệ tổ dân phố số 9, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) tham gia và đạt giải nhất toàn đoàn tại liên hoan văn nghệ quần chúng các thôn, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2489/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở nhà trường. Đối với mô hình dạy học nghệ thuật chèo trong nhà trường, đến nay 100% các đơn vị đã đưa nghệ thuật chèo vào trường học một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với chương trình giáo dục, với đặc trưng của từng cấp học và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Nhiều hình thức đa dạng, phong phú được triển khai như múa hát chèo sân trường, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu văn nghệ nhân các ngày lễ lớn... Ngoài ra, việc thành lập và duy trì CLB chèo dành cho học sinh được nhiều cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả.
Tiết mục hát chèo làn điệu “Kể hạnh ru kệ” của em Quách Hà Linh, xã Phong Châu (Đông Hưng) tại cuộc thi Em yêu làn điệu dân ca do Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tổ chức.
Tín hiệu tích cực từ việc nghệ thuật chèo ngày càng đến gần hơn với thế hệ trẻ là năm học 2023 - 2024, sau thời gian gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, lớp cao đẳng chèo của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã có nhiều hồ sơ đăng ký. Ngoài ra, lớp nhạc cụ truyền thống, vượt chỉ tiêu tuyển sinh tới 30% so với năm trước đó. Cũng tại ngôi trường này, hàng trăm giáo viên từ các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đã tham gia những khóa đào tạo về phương pháp dạy học chèo trong trường học. Sự quan tâm vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, các ngành chức năng đang dần hình thành thế hệ tiếp nối của nghệ thuật chèo trên quê lúa Thái Bình.
(còn nữa)
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ