Thứ 7, 14/09/2024, 04:44[GMT+7]

Văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới Kỳ 4: Để "mạch nguồn" chảy mãi

Thứ 5, 29/08/2024 | 10:58:41
7,230 lượt xem
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), di sản văn hóa ngày càng được quan tâm bảo tồn, phát huy hiệu quả. Thông qua việc được quảng bá sâu rộng, di sản vật thể, phi vật thể trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”.

Nhà thờ tổ chèo làng Khuốc là nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn khách tham quan, tìm hiểu về chèo cổ.

Nông dân làm du lịch 

Tháng 2/2023, nghệ thuật chèo tỉnh Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong quá trình tỉnh Thái Bình phối hợp với các địa phương đệ trình UNESCO đưa nghệ thuật chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này ngày càng được quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa làn điệu chèo quê lúa đến gần hơn với du khách mọi miền Tổ quốc.

Làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) những ngày hè, trong cái nắng chói chang, nghệ nhân nơi đây vẫn miệt mài chỉ bảo thế hệ tiếp nối của làng chèo cổ và niềm nở đón tiếp khách du lịch. 

Nghệ nhân làng Khuốc truyền dạy cho thế hệ tiếp nối của làng chèo cổ. 

Bà Vũ Thị Thao, thành viên câu lạc bộ chèo làng Khuốc cho biết: Du khách khi về với làng Khuốc được nghe những làn điệu chèo đặc trưng, nghe các nghệ nhân chia sẻ về ý nghĩa ca từ và tìm hiểu quá trình truyền nghề. Từ hoạt động thường xuyên được đón tiếp du khách, các nghệ nhân mong muốn góp phần lan tỏa, quảng bá di sản quê hương, mong sao ngày càng có nhiều du khách trong nước, quốc tế tìm hiểu về nghệ thuật chèo. 

Từng bước phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng chèo cổ là hướng đi đang được các ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền xã Phong Châu quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, qua đó góp phần thay đổi diện mạo làng quê, đưa nghệ thuật cổ truyền trở thành động lực trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Cùng là địa phương phát triển du lịch cộng đồng từ bảo tồn di sản văn hóa, xã Nam Cao (Kiến Xương) là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế. 

Chị Nguyễn Thị Hà, quản lý sản xuất HTX Dệt đũi Nam Cao cho biết: HTX hiện có hơn 200 thành viên, việc làm rất ổn định. Nhân dân địa phương tâm huyết với nghề nên ngày càng gắn bó với HTX. Mỗi năm, HTX sản xuất trên 10.000m vải, nhiều sản phẩm từ dệt đũi được xuất bán sang nước ngoài. Trước đây, khi nói đến hoạt động du lịch, nghệ nhân làng nghề còn lạ lẫm nhưng hiện nay đã có rất nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan và phản hồi tích cực về sự đón tiếp nồng hậu, mộc mạc như đón người thân trong nhà của nghệ nhân làng nghề. HTX đang xây dựng những tour du lịch cộng đồng, mong muốn tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nơi đây, không chỉ từ việc nâng cao giá trị sản phẩm, bán được nhiều sản phẩm ngay tại làng nghề mà còn có thêm nguồn thu từ các khâu dịch vụ du lịch. 

Đưa làng quê trở thành điểm du lịch đặc sắc 

Với phương châm phát triển du lịch trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đồng thời phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, các hoạt động khai thác du lịch nông thôn được triển khai gắn với thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.  

Theo đó, tại các địa phương đã xây dựng một số sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tập trung chủ yếu tại các địa bàn có phát triển làng nghề truyền thống và chuyên canh nông nghiệp như: du lịch trải nghiệm, học tập mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn, thân thiện với môi trường tại cánh đồng mẫu lớn xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ); du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống canh tác truyền thống tại làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư); du lịch trải nghiệm vườn hoa cải Hồng Lý, trang trại hoa EPC farm Minh Lãng (Vũ Thư); du lịch trải nghiệm thực hành nghề truyền thống tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương), làng nghề làm bánh cáy làng Nguyễn, làng chèo Khuốc (Đông Hưng)..., qua đó góp phần quan trọng quảng bá, kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương. 

Du khách lựa chọn sản phẩm tại gian giới thiệu sản phẩm làng nghề của HTX Dệt đũi Nam Cao. 

Phát triển du lịch được xác định là tiềm năng lớn để xây dựng các làng quê trở thành điểm du lịch cộng đồng đặc sắc, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Ngành du lịch tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động trực tiếp, đạt mức tăng trưởng trung bình gần 16% trong 3 năm liên tiếp từ 2017 - 2019, trước khi có sự sụt giảm do tác động của dịch Covid-19. Sau khi thực hiện các biện pháp phục hồi, mở cửa lại du lịch, 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đã tăng trở lại. Năm 2022, ngành du lịch Thái Bình đón 705.567 lượt khách, doanh thu 423 tỷ đồng. Năm 2023, lượng khách du lịch tăng 15,5% so với năm 2022, doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng. 

Có thể khẳng định, Thái Bình có cơ hội phát triển kinh tế du lịch. Ngành du lịch đặt mục tiêu đến năm 2030 đón trên 4,5 triệu lượt khách, giải quyết việc làm cho khoảng 14.600 lao động phục vụ du lịch, ưu tiên phát triển lao động nông thôn được đào tạo nghề tại chỗ, doanh thu từ du lịch đến năm 2030 ước đạt 7.000 tỷ đồng. Tin tưởng, khi Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được ban hành sẽ tiếp thêm động lực cho du lịch nông thôn ngày thêm phát triển dựa trên sự chung tay, quyết tâm của cả cộng đồng, các doanh nghiệp và chính mỗi người dân. Từ đó hướng tới một thương hiệu du lịch bền vững, mang một sức hút riêng của quê lúa Thái Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam. 


Tú Anh