Phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trên mảnh đất Long Hưng - Hưng Hà
Vùng quê phát tích, dựng nghiệp vương triều Trần
Thái Bình là vùng đất mang đậm sắc thái văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, các lễ hội nói chung, lễ hội đền Trần nói riêng với nhiều nội dung phong phú phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh các vị thần linh, anh hùng dân tộc, những người có công lao to lớn với quê hương, đất nước.
Theo truyền thuyết, Trần Kinh ở Hương Tức Mặc, sinh ra Trần Hấp (vốn làm nghề chài lưới). Trần Hấp vì cứu một thầy địa lý cho nên được thầy chỉ cho một ngôi huyệt phát đế vương. Trần Hấp đã mang mộ tổ về táng ở Thái Đường và định cư ở làng Lưu Xá. Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Trần Lý sinh Trần Thị Dung, Trần Thừa, Trần Tự Khánh. Năm 1209, triều đình nhà Lý suy yếu, loạn Quách Bốc xảy ra, Thái tử Sảm chạy về trang Lưu Gia, lấy Trần Thị Dung làm vợ. Khi vua Lý Huệ Tông (tức Sảm) lên ngôi thì bà Trần Thị Dung được phong làm Hoàng hậu. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng (con vua Lý Huệ Tông) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (con Trần Thừa). Họ Trần chính thức bắt đầu bước lên cai trị xã hội Đại Việt vào đầu thế kỷ thứ XIII - XIV. Từ đất Hương Tinh Cương ra đi, nhà Trần đã cho thành lập phủ Long Hưng trên quê hương của tổ tiên mình. Trong suốt thời gian nắm quyền cai trị Đại Việt, các vua Trần đã cho xây dựng khu Sơn Lăng ở Thái Đường lăng, nay là Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà) để làm nơi chôn cất tổ tiên và các vua tiền triều nhà Trần, đó là mộ (phần cựu) của Thái tổ Trần Thừa, Chiêu lăng của vua Trần Thái Tông, Dụ lăng của vua Trần Thánh Tông và Đức lăng của vua Trần Nhân Tông. Cùng lăng mộ của 4 vị hoàng hậu như các tài liệu chính sử đã ghi.
Trong lịch sử dân tộc, việc đặt tôn miếu của các triều đại phong kiến từng được xác định là việc hệ trọng, có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của vương triều. Với tâm thức “lá rụng về nguồn”, dường như triều đại nào cũng chọn nơi phát tích để đặt tôn miếu. Vương triều nhà Trần tồn tại trong lịch sử Việt Nam với 14 đời vua, kéo dài và tỏa sáng 175 năm, là triều đại phát triển rực rỡ nhất trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam với 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, làm nên hào khí Đông A mãi mãi còn in sâu trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng. Gần 800 năm qua, lăng mộ của các vua Trần ở Tam Đường vẫn còn hiện hữu khá nguyên vẹn. Vì vậy, khu lăng mộ các vua Trần ngoài ý nghĩa to lớn về lịch sử còn mang giá trị nghiên cứu quan trọng cho các ngành văn học, sử học, phật học... trong xã hội đương đại ngày nay.
Hội thi dân gian trong lễ hội đền Trần thu hút sự tham gia của đông đảo người dân địa phương.
Hướng tới mùa lễ hội văn minh, giàu truyền thống
Mấy thập niên qua, kể từ khi di tích đền Trần được tôn tạo thì lễ hội nơi đây luôn được duy trì. Hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 - 18 tháng Giêng. Vào dịp này, bà con nhân dân địa phương lại sôi nổi hòa mình vào những nghi thức tế lễ cổ truyền, những trò chơi dân gian độc đáo mang niềm vui của ngày đầu xuân mới, trong đó phải kể đến lễ rước nước, thi cỗ cá, thi thả diều, thi gói bánh chưng, thi nấu cơm cần... góp phần làm cho sinh hoạt lễ hội vừa trang nghiêm, trọng thể vừa tưng bừng náo nhiệt. Lễ hội góp phần khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần, là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tri ân với các bậc liệt tổ, các vị vua, tướng sĩ, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Thông tin về công tác chuẩn bị hướng tới chuỗi hoạt động diễn ra tại lễ hội đền Trần năm 2025, ông Bùi Viết Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà cho biết: Hiện nay, một số hạng mục công trình tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức đã được tu sửa, bảo đảm điều kiện để tổ chức lễ hội. Trong đó, đã sửa chữa, nâng cấp lát đá tại khu vực cổng Tam quan khu di tích, bổ sung hệ thống điện chiếu sáng và điện trang trí trong khuôn viên di tích; làm mới hệ thống pano, khẩu hiệu tuyên truyền trên trục đường dẫn vào khu di tích và trong nội tự. Ngoài ra, ban tổ chức đặc biệt quan tâm công tác vệ sinh môi trường, tu bổ cảnh quan cây xanh; san lấp mặt bằng khu vực dự kiến tổ chức lễ khai mạc lễ hội và hội chợ... Các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện thuận lợi cho hoạt động phần lễ, phần hội theo nghi thức truyền thống, phù hợp với thực tiễn nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại khu di tích.
Cũng theo ông Bùi Viết Tuấn, điểm mới tại lễ hội đền Trần năm nay là trong lễ khai mạc lễ hội, ban tổ chức dày công xây dựng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Rạng rỡ Thái Bình, miền Thánh Mẫu, đất Thánh Nhân, dấu thiêng Phật pháp” với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, xuyên suốt các ngày diễn ra lễ hội truyền thống, tại không gian trước cổng ngũ môn đền Trần, từ ngày 7 - 16/2 (ngày 10 - 18 tháng Giêng) sẽ diễn ra hội chợ xuân Ất Tỵ năm 2025 quy mô từ 300 - 350 gian hàng của 300 doanh nghiệp trong cả nước.
Kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, lễ hội đền Trần không chỉ thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân trong dịp đầu xuân mới. Lễ hội góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, huyện Hưng Hà nói riêng ngày thêm phát triển đồng thời thiết thực thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/ TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Lễ rước nước là nghi thức tế lễ quan trọng trong lễ hội đền Trần.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Trên 978.500 đại biểu tham gia hội nghị quán triệt, triển khai về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Toàn văn: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Trao quà tết tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thứ trưởng và tương đương trở lên đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương; các tướng lĩnh và một số doanh nhân là người Thái Bình
- Trao quà tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao quà tết tại Thái Bình
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV