Hội làng- xưa và nay
Dân làng đi hội, du khách đi cầu
Vào mùa xuân ấm áp hay mùa thu mát mẻ, công việc nhà nông không bận mải, khắp các làng quê trong tỉnh lại tổ chức hội làng. Trước kia, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, người nông dân quanh năm vất vả với đồng ruộng, hội làng không chỉ tri ân công đức các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để nhân dân nghỉ ngơi, vui chơi. Ngày nay, dù đời sống đã có nhiều thay đổi, việc tổ chức hội làng tại nhiều địa phương đã được đổi mới nhưng tâm thức hướng về nguồn cội không có gì khác. Lễ hội chùa Keo tại làng Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư) được tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Ông Nguyễn Văn Dưỡng, 84 tuổi, Trưởng ban khánh tiết lễ hội cho biết: Những năm mưa thuận gió hòa, làng tổ chức lễ rước nước với sự tham dự của 300 – 400 người. Dù đang làm ăn, công tác xa quê nhưng con em trong làng từ khắp mọi miền Tổ quốc về rất đông để được là thành viên trong đám rước. Với họ, như vậy là làm tròn bổn phận, trách nhiệm với quê hương.
Tại lễ hội đình Hiệp Lực (xã An Khê, Quỳnh Phụ), ông Ngô Trọng Phàn, thành viên trong Ban quản lý di tích đình Hiệp Lực cho biết: Mỗi khi làng sắp tổ chức lễ hội, người dân lại tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Trong ngày khai hội, cây đu không lúc nào đứng yên vì sự nhiệt tình tham gia của người dân, từ trung niên đến trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Ðình Hòe (xã Hùng Dũng, Hưng Hà) thì cho hay: Quê ông ở xã An Châu (Ðông Hưng), mỗi khi đến ngày hội làng, ông đều về tham dự để được gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi tình hình của bà con làng xóm, bạn bè nối khố. Người thân thì trong các ngày giỗ tết, cưới xin có thể gặp nhau nhưng bạn bè từ thuở chăn trâu, cắt cỏ thì chỉ có thể gặp tại hội làng.
Múa tứ linh tại lễ hội chùa Thiên Quý (xã Ðông Xuân, huyện Ðông Hưng).
Trái với nhân dân địa phương, mục đích đến với lễ hội của du khách giờ đây có nhiều đổi khác. Tại lễ hội chùa Keo mấy năm gần đây, phương tiện giao thông hiện đại, đường xá thuận lợi cho việc đi lại nên số người đi hội đông hơn so với trước đây. Ông Nguyễn Văn Dưỡng cho biết: Nếu như xưa kia, du khách bước chân đến hội là đến với từ bi hỷ xả, không tham danh lợi, đi hội là để cầu may, cầu phúc, để vui chơi, giao lưu, gặp gỡ thì bây giờ đến hội, du khách đi về trong ngày để cầu tài, cầu lộc, cầu danh”. Tâm lý “đi hội” là “đi cầu” này không chỉ phổ biến với du khách đến với lễ hội chùa Keo mà còn phổ biến tại các lễ hội khác trong tỉnh. Hệ lụy của tâm lý này là tiền được đặt ngày càng nhiều, mệnh giá ngày càng cao dẫn đến tình trạng trộm cắp, hiện tượng mê tín dị đoan… có chiều hướng gia tăng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo đảm văn minh lễ hội.
Trò chơi dân gian dần mai một, thể thao phát triển
Trò chơi dân gian giúp hội làng thêm sôi động, hấp dẫn. Là một lễ hội lớn của tỉnh, mấy năm gần đây, lễ hội làng Keo có thêm một số nội dung mới trong phần hội được du khách đánh giá cao như: du thuyền hát giao duyên, thi têm trầu cánh phượng. Song thực tế, bên cạnh các lễ hội nổi tiếng của tỉnh, tại rất nhiều lễ hội quy mô vừa và nhỏ, các trò chơi dân gian đang có xu hướng mai một. Tại lễ hội đền Ðồng Xâm (xã Hồng Thái, Kiến Xương), theo ông Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trước Cách mạng tháng Tám, ở hội đền Ðồng Xâm có tục hát chầu cử. Tương truyền, vào những ngày mở hội, các giáo phường ca trù xa gần thường cử những ca nương, kép đàn về hát chầu thánh. Từ sau năm 1945, tục hát chầu cử bị mai một, cho đến nay vẫn chưa khôi phục được. Tại lễ hội làng Ngận (xã Văn Lang, Hưng Hà) có tục đuổi bắt cuốc. Theo các cụ già trong làng, để nhớ công ơn và ôn lại truyền thống đánh giặc cứu nước của lục vị đại vương được dân làng thờ phụng, trước đây mỗi dịp làng mở hội sẽ có trò đuổi bắt cuốc nhưng hiện nay trò này đã không còn được tổ chức tại lễ hội của làng.
Khu vực đánh cờ tướng tại lễ hội đền - chùa Phượng Vũ (thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc bảo tồn, khôi phục những trò chơi, nét văn hóa truyền thống của quê hương. Trò chơi dân gian bị mai một, song nét mới, sự tiến bộ tại các lễ hội làng hiện nay là sự phát triển của các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông và sự giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các địa phương.
Lễ hội thuộc phạm trù sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, làng xã. Mặc dù có một số đổi thay theo sự phát triển của xã hội song lễ hội làng - một cách dung dị, vẫn đang sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt, là nỗi nhớ khôn nguôi của những người xa quê, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng quê.
Vũ Hường
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng