Thứ 7, 10/08/2024, 04:15[GMT+7]

Cải lương Thái Bình: Ðứng vững trên đất chèo

Thứ 6, 27/05/2016 | 08:45:22
2,945 lượt xem
Hoạt động nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp trên vùng đất được mệnh danh là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, những năm qua, Ðoàn cải lương Thái Bình tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vị thế là đơn vị nghệ thuật có nhiều đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh, điểm sáng của sân khấu cải lương vùng duyên hải Bắc Bộ.

 

Trước yêu cầu của nhân dân trong tỉnh được thưởng thức nghệ thuật cải lương, với mong muốn kiến thiết, tạo nên một nền sân khấu mang tính nghệ thuật đỉnh cao hoạt động theo phương thức chuyên nghiệp, mùa thu năm 1954, Ủy ban hành chính tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Đoàn cải lương Kiến Thiết (tiền thân của Đoàn cải lương Thái Bình ngày nay). Suốt mấy mươi năm từ khi thành lập đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, những đêm diễn của Đoàn cải lương Thái Bình ở tỉnh hay ở xã luôn chật kín người xem. Đoàn sở hữu nhiều diễn viên, nhạc công tài năng và một dàn kịch mục hoành tráng với nhiều vở diễn tạo được tiếng vang lớn như: Nổi gió, Bà mẹ sông Hồng, Dấu chân phía trước, Đường lên phía trước, Kêu cứu, Lửa phi trường, Nghĩa quân Lam Sơn, Hoàng hậu Ba Tư, Tiếng hát cuộc đời, Người đi trước, Tia lửa từ đêm đen…

 

Đi qua giai đoạn hoàng kim, khi cánh cửa của thời kỳ bao cấp khép lại, không ít đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước rơi vào khủng hoảng, có nguy cơ giải thể. Đoàn cải lương Thái Bình cũng không tránh khỏi tình trạng ấy. Để tiếp tục duy trì hoạt động, với phương châm “Gọn nhưng tinh, giao đúng năng lực, sở trường, nâng cao trách nhiệm từng khâu”, Đoàn đã tập trung đổi mới hoạt động, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản của từng nghệ sĩ, diễn viên, tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất. Với tinh thần trách nhiệm và ý thức không ngừng sáng tạo, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn đã vượt khó vươn lên để khẳng định mình. Bên cạnh các vở diễn bảo đảm về hình thức, nội dung có tính nhân văn, hướng thiện, phản ánh được những vấn đề cuộc sống hôm nay, trong các năm từ 1997 đến 2013, Đoàn đã dàn dựng được một bộ vở diễn về triều đại nhà Trần như: Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Huyền Trân công chúa, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Tình sử Trần Thái Tông hoàng đế. Đây là cụm 5 tác phẩm nghệ thuật được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xét trao giải tác phẩm sân khấu xuất sắc toàn quốc, là những tác phẩm có giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về đất và người Thái Bình trong hiện tại và mai sau, góp phần quảng bá, thu hút nhân dân cả nước đến với Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần tại Thái Bình.

 

Năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, bên cạnh việc tập luyện các chương trình nghệ thuật vừa và nhỏ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đoàn cải lương Thái Bình còn kết hợp dàn dựng, ra mắt hai vở mới là “Đường đua trong bóng tối” và “Khoảnh khắc mong manh”. Nếu như “Đường đua trong bóng tối” đề cập đến nhiều góc khuất của vấn đề đang được cả xã hội quan tâm - cuộc chạy đua quyền lực của một số người có địa vị trong xã hội, dóng lên tiếng chuông cảnh báo, thức tỉnh lương tâm con người, thể hiện ước vọng của nhân dân về một đội ngũ công bộc đủ đức, đủ tài, giúp cho dân giàu, nước mạnh thì “Khoảnh khắc mong manh” là bài ca ca ngợi hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân trong mọi hoàn cảnh vẫn giữ vững phẩm chất “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Với “Khoảnh khắc mong manh”, Đoàn cải lương Thái Bình đã giành huy chương bạc tại liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” năm 2015, 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cho nghệ sĩ, diễn viên.

 

Diễn viên Mạnh Hùng, người đảm nhận vai Trung tá Hoàng Đảm, nhân vật trung tâm trong “Khoảnh khắc mong manh” kể: Những ngày tập luyện “Khoảnh khắc mong manh” là những ngày đỉnh điểm của đợt nóng mùa hè, sân khấu chật chội, anh chị em trong Đoàn mồ hôi ướt ròng nhưng ai cũng tự động viên mình nỗ lực tập luyện để vở diễn kịp ra mắt và tham dự liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc. Huy chương bạc cho vở diễn là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của anh chị em trong Đoàn.

 

Trong năm 2015, Đoàn cải lương Thái Bình còn tham gia cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ X với 4 diễn viên, trong đó 3 diễn viên lọt vào chung kết khu vực phía Bắc, 1 diễn viên lọt vào chung kết toàn quốc và đạt giải thí sinh được yêu thích nhất. Tổng kết cuộc thi, Đoàn xếp thứ tư toàn quốc.

 

Đứng thứ tư toàn quốc trong một cuộc thi lớn về nghệ thuật cải lương; thường xuyên ra mắt những vở diễn có tính thời sự, có giá trị tuyên truyền và giá trị nghệ thuật cao, được nhân dân yêu thích; NSƯT Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng đoàn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân…, những thành tích Đoàn cải lương Thái Bình đạt được thời gian qua không chỉ khẳng định vị thế của Đoàn mà còn cho thấy cải lương Thái Bình vẫn đang đứng vững trên đất chèo.

 

Vũ Hường

  • Từ khóa