Nỗ lực quản lý AI an toàn, hạn chế rủi ro tiềm ẩn
Kết quả khảo sát mới nhất của công ty Ernst & Young cho thấy, có tới 70% số giám đốc điều hành trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương coi AI là động lực thúc đẩy tính hiệu quả và đổi mới. Nhận thức rõ về nhược điểm của AI, các doanh nghiệp này thừa nhận rằng cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các rủi ro đến từ những cuộc tấn công mạng cho đến thông tin sai lệch và lừa đảo.
Mới đây, Chính phủ Đức thông báo đến năm 2025 sẽ đầu tư 1,6 tỷ euro vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, trong khi Singapore có kế hoạch tăng gấp ba số lượng nhân sự về AI lên 15.000 người.
Năm 2023 đã chứng kiến mức độ “phủ sóng” nhanh chóng của công nghệ AI trên toàn cầu. Quản lý AI cũng trở thành chủ đề của hàng loạt hội nghị quốc tế, khu vực trong năm qua. Nhà xuất bản từ điển Collins (Anh) đã chọn AI là từ khóa của năm 2023.
Không thể phủ nhận, AI ngày càng tạo thuận lợi cho cuộc sống, làm thay đổi thế giới bằng những tính năng vượt trội. Các sản phẩm tiên tiến này có tiềm năng to lớn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ khoa học và mang lại những lợi ích cho xã hội, song cũng gây ra những rủi ro với sự an toàn của thế giới nếu không được phát triển một cách có trách nhiệm.
AI đang khơi mào một cuộc chiến cam go, phức tạp mới giữa lực lượng bảo vệ an ninh mạng và các đối tượng tội phạm mạng. Giới quan sát cảnh báo, các cuộc bầu cử diễn ra ở các nước trong năm 2024 sẽ đối mặt rắc rối do những nội dung giả mạo, thông tin sai lệch được tạo ra từ AI. Trong một cuộc khảo sát, có tới 58% số người Mỹ được hỏi cho rằng, AI sẽ làm gia tăng sự lan truyền thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tại nước này vào năm 2024.
Trước tình hình này, hàng loạt quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có những bước đi khẩn trương để hình thành khuôn khổ quản lý công nghệ AI. Các nước thành viên và các nghị sĩ Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đạt được thỏa thuận về quy định toàn diện đầu tiên nhằm quản lý AI.
Ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton khẳng định, đạo luật là nền tảng để các công ty khởi nghiệp và các nhà nghiên cứu của EU dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về phát triển AI một cách đáng tin cậy.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ban hành sắc lệnh hành pháp về tiêu chuẩn an toàn đối với AI vào tháng 10/2023. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống AI tiên tiến, đưa ra các khuyến nghị để các nhà phát triển và người dùng giảm thiểu rủi ro do công nghệ này mang lại.
Dù hưởng lợi từ các sản phẩm AI, hàng loạt công ty công nghệ cũng chung sức thúc đẩy việc xây dựng quy tắc quản lý AI. Nếu như trước đây, nhiều công ty phản đối các quy định mà họ cho rằng có thể kìm hãm sự phát triển công nghệ, thì hiện tại, các công ty đã liên tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của AI nếu không được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ.
Công ty OpenAI vừa công bố các hướng dẫn mới nhất để đánh giá những “rủi ro mang tính thảm họa” của AI trong các mô hình đang được phát triển. Hai tập đoàn lớn là Meta, IBM cùng khoảng 50 công ty và tổ chức nghiên cứu thành lập Liên minh AI nhằm bảo đảm một phương thức hợp tác cởi mở hơn trong phát triển công nghệ này. Một trong những cơ chế quan trọng của liên minh nói trên là thành lập Ủy ban giám sát kỹ thuật, với thành phần là chuyên gia nghiên cứu từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới cần đi trước làn sóng AI, đồng thời kêu gọi các nước phản ứng thống nhất, bền vững trước các nguy cơ từ AI. Dù còn nhiều việc phải làm phía trước nhưng những nỗ lực quản lý AI thời gian qua đã tạo nền tảng xây dựng một tương lai an toàn trong ứng dụng công nghệ này, đồng thời giúp cân bằng giữa đổi mới, sáng tạo và đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức trong phát triển AI.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính “chắc - sắc - đắc”
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- Gắn nhiệm vụ công tác công an với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
- Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025
- Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025