Thứ 2, 06/05/2024, 20:46[GMT+7]

Nhà giáo Doãn Khuê: Rạng ngời phẩm hạnh, công danh

Thứ 6, 12/01/2024 | 16:52:13
12,892 lượt xem
Tiến sĩ Doãn Khuê (1813 - 1885) tự Quang Khuê hiệu là Bảo Quang, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học ở làng Ngoại Lãng, nay thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Ông được sử sách lưu danh là nhà yêu nước kiệt xuất, nhà giáo tài ba, nhà canh tân đất nước, một danh nhân rạng ngời phẩm hạnh, công danh từng được ngợi ca như một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam vào thế kỷ XIX.

Bia Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) đặt tại Văn Miếu Huế, bia thứ 6 nhà bia hữu vu ghi danh Tiến sĩ Doãn Khuê. Nguồn internet

Năm 25 tuổi, Doãn Khuê thi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) và được bổ chức Hàn lâm viện biên tu. Một năm sau đó được bổ làm tri phủ Ứng Hòa. Vài năm sau được về triều giữ chức Thừa chỉ rồi được thăng Phó Đô Ngự sử kiêm quyền Ngự sử đạo Lạng Bình (Lạng Sơn, Cao Bằng). Như vậy là con đường danh vọng của Doãn Khuê trong khoảng bảy, tám năm đầu tiên ở chốn quan trường cơ bản là hanh thông, thuận tiến. Nhưng chưa rõ vì sao, đến năm Đinh Mùi (1847), khi triều đình cho vời về triều để thăng thưởng và bổ dụng thì Doãn Khuê đã một mực cáo từ và xin về quê dạy học. Khi ấy ông mới bước vào tuổi 35, tài năng đang độ chín.

Trong khoảng 10 năm cáo quan về quê mở trường dạy học, Doãn Khuê đã đào tạo được nhiều học trò thành đạt, trong đó có những người đã chịu ảnh hưởng sâu đậm về tư tưởng, nhân cách, tài năng và tiết tháo của Doãn Khuê như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), nhà thơ trào phúng hàng đầu của Việt Nam, Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890) thủ lĩnh Cần vương số một ở Bắc Kỳ, Cử nhân Bùi Viện (1844 - 1878) nhà canh tân đất nước quê làng Trình Phố (Tiền Hải) và Cử nhân Phạm Huy Quang (1846 - 1888) quê làng Phù Lưu (Đông Hưng), một trong những thủ lĩnh Cần vương kiệt hiệt ở Thái Bình...

Cũng vào những tháng năm cáo quan về dạy học, Doãn Khuê đã được người bạn đồng khoa là Đốc học Nam Định, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị cắt tặng cho một phần đất còn đang hoang hóa ở vùng đất phía Nam phủ Nghĩa Hưng. Doãn Khuê đã chiêu mộ dân khai hóa, mở mang thêm trở thành một làng mới, nay là xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Sau khi Doãn Khuê qua đời, dân làng này đã lập đền miếu, dựng bia, tạc tượng để thờ và được triều đình ban sắc cho thờ Doãn Khuê làm thành hoàng. Hiện nay, Trường THCS của xã Nghĩa Thành được mang tên trường Doãn Khuê.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, Đốc học Phạm Văn Nghị tập hợp được 365 nghĩa sĩ, trong đó có một số văn thân, sĩ phu của các phủ huyện nay thuộc tỉnh Thái Bình vốn là học trò của Doãn Khuê đã tham gia đoàn quân Nam tiến. Trước khi lên đường, Phạm Văn Nghị đã tiến cử với triều đình bổ nhiệm Doãn Khuê lãnh chức quyền Đốc học thay mình. Có lẽ, do đã có sự bàn bạc thống nhất với Phạm Văn Nghị nên Doãn Khuê đã ra nhận chức Đốc học mà thực chất lại là “đốc binh”. Với cương vị Đốc học và bằng tất cả năng lực, uy tín của mình, Doãn Khuê đã xông xáo đến từng phủ huyện vận động các văn thân, sĩ phu yêu nước hưởng ứng công cuộc chống họa xâm lăng. Đồng thời, ông đứng ra tổ chức việc luyện tập võ nghệ, chiêu mộ hương dũng tại các trường học của các phủ huyện. Vào thời điểm đó, các quan trong triều, ngoài trấn đang có chiều hướng phân hóa thành hai phe chủ hòa và chủ chiến. Bản thân vua Tự Đức và triều đình thì chưa có quyết sách rõ ràng. Trước tình thế đó, Doãn Khuê kiên gan chủ chiến. Ông đã vận động các chức sắc trong tỉnh ký tên vào tờ tấu gửi vào triều, thống thiết tấu trình việc không thể nghị hòa với giặc Pháp. Sử sách triều Nguyễn đã ghi sự kiện này: “Mùa xuân, tháng 3 năm Canh Thân (1860),... Lĩnh Đốc học Nam Định là Doãn Khuê cùng các viên giáo thụ, huấn đạo, tri phủ, tri huyện làm mật tấu, hết sức nói việc nghị hòa là hỏng...”.

Từ năm 1861 đến năm 1866, Doãn Khuê liên tiếp được triều đình bổ nhiệm các chức Thừa chỉ, Đốc học Sơn Tây, Đốc học Nam Định, Hải Phòng sứ... Ở cương vị nào ông cũng tận tâm tận lực lo trọn phận sự đ­ược giao. Tháng 3/1866, ông được thăng thụ Quang lộc tự khanh, đ­ược vua Tự Đức ban cho một chiếc thẻ bài bằng vàng tía có chữ “hiếu nghĩa”. Tháng 11 năm đó Doãn Khuê về kinh chiêm bái Tự Đức, lấy cớ có bệnh xin cáo quan. Đ­ương nhiên, vì biết rõ tài năng, uy tín và ảnh hưởng của Doãn Khuê với giới sĩ phu Bắc Hà, trong đó nhiều người là học trò của ông nên Tự Đức không cho ông hưu quan, sau đó lại giao kiêm chức Hải Phòng sứ để chăm lo việc phòng thủ trận tuyến duyên hải phía Bắc rồi lại giao tiếp chức Doanh điền sứ Nam Định để mở mang kinh tế ở vùng này.

Trong những năm từ 1866 - 1873, Doãn Khuê đã cùng thuộc hạ, phần đông là học trò cùng hai con trai ông là Doãn Chi và Doãn Vị tận tuỵ ngày đêm triển khai các kế sách phòng thủ miền duyên hải để chuẩn bị chặn đánh quân Pháp khi chúng tấn công xâm chiếm Bắc Kỳ sẽ tất yếu phải qua vùng đất này. Với c­ương vị Doanh điền sứ Nam Định, Doãn Khuê không chỉ được lưu danh vì đã cùng Cử nhân Bùi Viện khai mở cảng Hải Phòng mà còn làm khá nhiều việc trong lĩnh vực cải tạo đồng ruộng. Nhiều công trình thủy lợi do ông khởi xướng đã tạo tiền đề phát triển nông nghiệp vùng duyên hải còn tác động đến ngày nay. Sách “Đại Nam thực lục” đã chép:

Năm Kỷ Tỵ (1869): “Th­ương biện Nam Định Hải Phòng sứ lĩnh Đốc học Doãn Khuê xin thôi chức Đốc học để khuyên quyên, chiêu mộ ng­ười khai thác bãi cát ở ven biển, 3 năm thành điền, 1 phần làm ruộng công, 2 phần làm ruộng t­ư, nhưng chiểu số tiền tâu xin cho l­ượng phẩm hàm đều cho làm việc. Vua y cho Khuê kiêm chức Doanh điền sứ”.

Năm Canh Ngọ (1870), Doãn Khuê đã bàn với Lĩnh Tổng đốc Định - Yên lập tờ tâu: “Các sông Ngư Long, Bán Thúy huyện Tiền Hải đều hút nước ở sông Lân Hải, nên phải ngăn chặn cho nước mặn không tràn vào được. Lại ở sông Liêm Giang (nay là Kiến Giang), phía trên từ cửa sông Nguyệt Lâm suốt đến cửa khe Trình Phố, rẽ sang sông Bán Thúy, xin đều cho khơi vét từng đoạn để đón lấy nước ngọt, cần phải rộng 8 tr­ượng, sâu 5 thước, hai bên đều đắp đê nhỏ để chắn nước lụt. Công việc đào sông đắp đê, xin lấy dân phu 6 tổng ở huyện Tiền Hải và các tổng ở hai huyện Vũ Tiên, Chân Định cùng đắp và làm, mở vào ruộng đất công tư bao nhiêu, trừ vào ngạch ruộng, cho miễn thuế. Vua cho phép làm”.

Năm Tân Mùi (1871), Doãn Khuê tâu: “Về hạt huyện Thụy Anh các xã trên từ Thu Cúc xuống đến Lỗ Tràng, đất bãi bỏ hoang, xin giao cho lính mộ khai khẩn. Còn ruộng cói xin sức cho dân khai vào sổ chịu thuế. Vua y cho”.

Năm Quý Dậu (1873), Doãn Khuê tâu: “Hai xã thôn Hạc Lương, Thuận An, ruộng đất vỡ lở, dân xiêu tán, xin đem ruộng đất bỏ hoang khó làm là 40 mẫu, Nguyễn Bá Phổ ở giáp Thận Hành nhận mua, chia giao cho hai xã thôn chiểu sổ nhận tiền. Vua y cho”...

Cũng vào năm Quý Dậu (1873), thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, mở đầu bằng việc đánh chiếm thành Nam Định. Từ nhiều tháng trước đó, tỉnh thần Nam Định trong đó có Doãn Khuê cùng các con cháu ông và các yếu nhân khác đã chủ động triển khai bố phòng từ cửa Ba Lạt và các điểm xung yếu trong vùng. Khi giặc tràn vào địa phận, các lực lượng yêu n­ước đã chống trả quyết liệt. Nhiều tấm gương nghĩa sĩ đã xả thân đánh giặc để giữ đất, giữ thành nhưng vì thế lực địch quá mạnh, thành Nam Định rơi vào tay giặc. Triều đình Tự Đức đã triệu các chức sắc tỉnh Nam Định, trong đó có Doãn Khuê về kinh nghị tội. Vào năm sau (1874),  mặc dù triều đình cho khôi phục chức t­ước nhưng Doãn Khuê một mực cáo quan về quê tiếp tục sự nghiệp của một nhà giáo vốn là sở đắc của ông.

Về trí sĩ ở tuổi ngoại lục tuần, tuy có vui với việc dạy bảo học trò nhưng Doãn Khuê vẫn dốc lòng cổ vũ, chỉ bảo cháu con và môn sinh cùng các tầng lớp nhân dân ở quê hương tiếp tục con đường chống Pháp. Ông không chỉ quên thân, trọn đời dốc tâm lo nước, thương dân mà còn đứt ruột, xé lòng cống hiến cả những người con, người cháu của mình cho các trận tuyến. Doãn Khuê đã đề xuất với triều đình giao cho con ông đảm đ­ương những cương vị đầy cam go trước thế trận hiểm nghèo. Sử xanh đã l­ưu danh và tôn vinh công trạng về sự hy sinh quả cảm của các con ông.

Đúng vào thời điểm vua Hàm Nghi ra sơn phòng ban chiếu Cần vương (1885) thì vị hưu quan, nhà giáo lão thành Doãn Khuê lâm bệnh và qua đời bên những chồng sách chất ngất trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm giữa mấy sào vườn ở làng Ngoại Lãng. Cùng với công danh và phẩm hạnh để đời thì sự thanh bần, liêm chính của nhà giáo Doãn Khuê cũng rất đáng coi là di sản của một học quan người Thái Bình thuở trước để lại cho hôm nay và mai sau.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)