Thứ 6, 22/11/2024, 04:50[GMT+7]

Biển Đỏ chưa tan "sóng gió"

Chủ nhật, 21/01/2024 | 16:21:53
1,184 lượt xem
Bất ổn leo thang tại Biển Đỏ đang gây rủi ro nghiêm trọng cho hoạt động thương mại toàn cầu. "Sóng gió" tại tuyến đường huyết mạch trong vận tải hàng hóa quốc tế này đã đẩy giá cước vận tải tăng cao chóng mặt, đe dọa kéo theo cú sốc lạm phát mới và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các thành viên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Yemen tuần tra trên Biển Đỏ, ngoài khơi thị trấn Mokha thuộc tỉnh Taiz, ngày 12/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp cảnh báo gay gắt từ nhiều nước và tổ chức quốc tế, thời gian qua, lực lượng phiến quân Houthi, đang kiểm soát phần lớn Yemen, tiếp tục tăng cường tấn công các tàu thương mại trên Biển Đỏ. Trong bối cảnh đó, mới đây, Mỹ và các nước tham gia liên minh an ninh trên Biển Đỏ đã ra tuyên bố chung yêu cầu Houthi nhanh chóng chấm dứt các cuộc tấn công. Tuyên bố khẳng định, lực lượng Houthi sẽ phải trả giá nếu tiếp tục đe dọa tính mạng các thủy thủ, nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng vừa nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình an ninh tại khu vực này. Hội đồng Bảo an nhấn mạnh, các vụ tấn công trên Biển Đỏ thời gian gần đây gây ra nguy cơ lớn không chỉ đối với sự ổn định trong khu vực mà cả hoạt động thương mại toàn cầu.

Giới phân tích nhận định, bất ổn an ninh trên Biển Đỏ đang gây rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Biển Đỏ nối Địa Trung Hải qua kênh đào Suez ở phía bắc và nối Vịnh Aden của Ấn Độ Dương qua eo biển Bab al-Mandab ở phía nam, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, các cuộc tấn công liên tiếp của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng di chuyển trên Biển Đỏ từ tháng 11 đến nay đã làm gián đoạn hoạt động vận tải quốc tế. Nhiều hãng vận tải biển buộc phải điều chỉnh lịch trình hoặc tạm dừng vận chuyển qua tuyến đường dẫn đến kênh đào Suez. Mới đây nhất, hai gã khổng lồ trong ngành vận tải biển là Maersk của Đan Mạch và Hapag-Lloyd của Đức thông báo sẽ chuyển hướng tất cả tàu hàng theo lộ trình vòng qua châu Phi, thay vì sử dụng tuyến đường đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, do rủi ro an ninh trên Biển Đỏ tiếp tục ở mức cao. Cơ quan hàng hải của Liên hợp quốc cho biết, 18 công ty vận tải biển đã phải điều chỉnh tuyến đường hoạt động để tránh khu vực Biển Đỏ.

Thực trạng nêu trên kéo theo những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu Tổ chức Hàng hải quốc tế Arsenio Dominguez cho biết, việc nhiều công ty vận tải biển buộc phải đổi lộ trình theo tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo vọng ở châu Phi để tránh các cuộc tấn công, khiến thời gian di chuyển dài thêm ít nhất 10 ngày. Do đó, giá cước và chi phí bảo hiểm cũng tăng cao. Theo Freightos, một nền tảng đặt chỗ và thanh toán vận tải quốc tế, giá cước vận tải từ khu vực châu Á đến Bắc Âu, Địa Trung Hải đã tăng mạnh, thậm chí gấp đôi.

Cước vận tải biển leo thang dữ dội và đột ngột đe dọa kéo theo cú sốc lạm phát mới cho nền kinh tế toàn cầu. Giám đốc điều hành công ty vận tải biển OL-USA (Mỹ) Alan Baer cảnh báo, người tiêu dùng sẽ cảm nhận rõ áp lực tăng giá sau một tháng kể từ khi giá cước trở nên đắt đỏ hơn. Giới chuyên gia nhận định, nếu không sớm được giải quyết, tình trạng tắc nghẽn tại Biển Đỏ có thể giáng một đòn mạnh vào nỗ lực ghìm cương lạm phát của các ngân hàng trung ương trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, bất ổn trên Biển Đỏ cũng đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Là tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á, kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới. Đây cũng là tuyến đường quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ. Vì vậy, đứt gãy vận tải trên Biển Đỏ không chỉ làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt hàng hóa mà còn khiến dòng chảy năng lượng bị ảnh hưởng, từ đó tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các nhà phân tích cho rằng, Ai Cập là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, khi nguồn thu hàng chục tỷ USD từ kênh đào Suez bị sụt giảm. Tiếp đến là những nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...

Hoạt động tại một trong những tuyến vận tải biển quan trọng của thế giới bị đình trệ làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng, thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch Covid-19. Giới phân tích nhận định, nếu không sớm được dập tắt, bất ổn tại Biển Đỏ sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày