Thứ 6, 22/11/2024, 05:08[GMT+7]

Những công ty khởi nghiệp vũ trụ triển vọng năm 2024

Thứ 4, 24/01/2024 | 16:11:58
1,140 lượt xem
Ngành công nghiệp vũ trụ đang phát triển ở tốc độ ấn tượng và năm 2024 hứa hẹn nhiều thành tựu và cột mốc lớn từ nhiều công ty khởi nghiệp mới.

Mô phỏng đơn vị module StarMax trên quỹ đạo. Ảnh: Gravitics

1. Spin Launch

Máy gia tốc cận quỹ đạo phóng khối hàng thử nghiệm của NASA. Ảnh: SpinLaunch

Máy gia tốc cận quỹ đạo phóng khối hàng thử nghiệm của NASA. Ảnh: SpinLaunch

Năm 2024 có thể là một năm quan trọng với SpinLaunch, công ty hướng tới cách mạng hóa thị trường dịch vụ chở hàng nhỏ bằng cách bắn khối hàng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, sử dụng hệ thống ly tâm mang tên Orbital Launch. Năm 2022, SpinLaunch bắn một khối hàng thử nghiệm của NASA vào không trung bằng Máy gia tốc cận quỹ đạo, đẩy khối hàng nặng tới 10.000 g tới tốc độ 8.000 km/h trước khi ném nó lên độ cao 9.150 m. Với thử nghiệm thành công này, công ty đang tiến gần đến mục tiêu thương mại hóa hệ thống.

2. Green Launch

Tương tự SpinLaunch, Green Launch cũng muốn cách mạng hóa ngành công nghiệp phóng vệ tinh nhỏ thông qua phóng vệ tinh CubeSat mà không cần tên lửa. Thay vào đó, máy phóng xung lực hydro trông giống một khẩu đạn pháo của công ty, sẽ bắn vệ tinh lên thẳng quỹ đạo thấp của Trái Đất. Nhà đồng sáng lập Green Launch là Eric Robinson cho biết máy phóng của công ty có thể bắn khối hàng lên quỹ đạo trong 10 phút ở tốc độ Mach 20 (24.696 km/h). Không chỉ vậy, ông khẳng định phương pháp phóng này sẽ ít tác động tới môi trường nhất (tính trên mỗi kilogram) trong số các hệ thống phóng quỹ đạo.

3. PLD Space

Công ty PLD Space của Tây Ban Nha trở thành công ty khởi nghiệp châu Âu đầu tiên phóng thành công tên lửa cận quỹ đạo năm ngoái. Đây có thể là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu vốn vấp phải nhiều vấn đề năm ngoái do quá phụ thuộc vào Arianespace. Tên lửa Miura 1 của PLD Space là tiền thân của phương tiện phóng quỹ đạo Miura 5 sẽ bay từ cảng vũ trụ của châu Âu ở vùng Guiana, lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Công ty hướng tới bay Miura 5 sớm nhất vào năm sau, có nghĩa 2024 sẽ là một năm bận rộn khi họ tiến hành thử nghiệm động cơ và kiểm nghiệm công nghệ trước khi phóng.

4. Impulse Space

Impulse Space gần đây giới thiệu phương tiện Helios. Công ty thành lập bởi cựu kỹ sư SpaceX Tom Mueller hướng tới cách mạng hóa vận chuyển hàng hóa chặng cuối. Theo họ, Helios sẽ cho phép các công ty tới quỹ đạo địa đồng bộ (GEO) với chi phí thấp hơn. Helios sử dụng hệ thống đẩy trong không gian để đưa khối hàng vào quỹ đạo trước đây chỉ có thể tiếp cận bằng tên lửa hạng nặng.

5. Relativity Space

Tên lửa Terran-1 trên bệ phóng. Ảnh: Relativity Space

Tên lửa Terran-1 trên bệ phóng. Ảnh: Relativity Space

Relativity Space thu hút sự chú ý năm ngoái khi phóng tên lửa đầu tiên trên thế giới cấu tạo gần như hoàn toàn từ các bộ phận in 3D. Dù tên lửa Terran-1 in 3D của công ty không lên tới quỹ đạo, họ kết luận phương tiện phóng thành công, giúp thu thập lượng lớn dữ liệu để phát triển tên lửa Terran-R. Năm nay, công ty sẽ tập trung mạnh vào phát triển Terran-R, dự kiến phóng sớm nhất năm sau. Họ cũng bắt tay với Impulse Space để trở thành hai công ty vũ trụ tư nhân đầu tiên phóng tàu đổ bộ tới sao Hỏa.

6. Space Pioneer

Thành lập năm 2018, công ty khởi nghiệp Trung Quốc Space Pioneer trở thành công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới phóng tên lửa lên quỹ đạo ngay lần thử đầu tiên. Hồi tháng 4/2023, tên lửa Tianlong 2 của Space Pioneer phóng từ cơ sở phóng Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc. Đây cũng là công ty đầu tiên ở Trung Quốc phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng.

7. Gravitics

Công ty khởi nghiệp Gravitics gần đây kêu gọi được 20 triệu USD vốn đầu tư để phát triển đơn vị trạm vũ trụ module StarMax có thể dùng để xây dựng nơi ở trên quỹ đạo. Theo công ty, mỗi đơn vị StarMax có thể tích 400 m3. Những công nghệ như vậy sẽ giúp mở ra kỷ nguyên mới của trạm vũ trụ tư nhân, có thể chứa khách du lịch không gian cũng như phòng thí nghiệm ở quỹ đạo.

Theo vnexpress.net