Thứ 6, 22/11/2024, 05:29[GMT+7]

Xuân về hai đầu nỗi nhớ

Thứ 5, 08/02/2024 | 18:39:57
1,675 lượt xem
Những ngày này, mỗi người đi xa đều hướng về quê cha đất tổ và mong muốn trở về đón xuân, đón giao thừa với gia đình. Nhưng cũng có những người lính vì nhiệm vụ canh giữ biển đảo của Tổ quốc mà hy sinh giờ phút thiêng liêng ấy. Đại úy Nguyễn Phú Hưng quê ở thôn 7 xã Tam Quang, huyện Vũ Thư có 18 năm quân ngũ thì 14 năm đón giao thừa tại đơn vị, 5 tết đón xuân ở Trường Sa. Đón xuân Giáp Thìn 2024 với Nguyễn Phú Hưng thêm một mùa xuân ở hai đầu nỗi nhớ cùng vợ và hai con ở quê nhà.

Chị Hoàng Thị Phương và hai con có chồng là đại uý Nguyễn Phú Hưng trực đón xuân Giáp Thìn trên Nhà giàn DK11 Quần đảo Trường Sa.

Tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Phương ở thôn 7 xã Tam Quang, huyện Vũ Thư vào chiều cuối năm Quý Mão (2023). Ngôi nhà hai tầng khang trang và rộng rãi nằm sát quốc lộ 10. Theo chị Phương, đây là nhà của bố mẹ chồng, vì vợ chồng chị chưa có điều kiện làm nhà ra ở riêng, phần thì anh Hưng chồng chị đang còn trong quân ngũ xa nhà lại chủ yếu làm nhiệm vụ trên các đảo ở Trường Sa, còn chị làm công nhân may ở Công ty May MaxPot, thu nhập mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng, tiền lương và các phụ cấp chỉ đủ đóng học phí cho hai con. Con lớn là Nguyễn Hoàng Thịnh sinh năm 2016 đang là học sinh lớp 2 Trường Tiểu học xã Tam Quang, còn cháu bé Nguyễn Hoàng Diệu Linh sinh năm 2020 đang học lớp mẫu giáo gần nhà.

Hỏi chuyện chị Phương, được biết năm nay Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty May MaxPot công bố thưởng lương tháng 13 từ sớm nên người lao động rất phấn khởi. Ôm hai đứa con vào lòng chị Phương cười tươi: “Em nhận được lương thưởng tháng 13 là mua cho hai cháu bộ quần áo mới diện đón tết. Tết này sẽ chụp ảnh hai con với ông bà nội và cả nhà gửi ra nhà giàn DK11 cho bố Hưng vui đây ạ. Bé Diệu Linh nghe mẹ nhắc đến bố Hưng choàng tay ôm cổ mẹ nũng nịu. Con thích bố về ăn tết với ông bà, với mẹ và con cơ. Mẹ gọi điện cho bố Hưng về với con đi. Còn Thịnh thì khác hẳn em gái, cậu đã là học sinh lớp hai, nên khi hỏi có nhớ bố Hưng và muốn bố về đón giao thừa với mẹ và cả nhà không? Thịnh nói con nhớ bố lắm: “Hôm nọ bố điện về thăm ông bà và mẹ nói rằng sau tết bố sẽ về và có thưởng vì con được tặng giấy khen là học sinh giỏi”. Chiều ý nguyện của con gái, chị Phương ngước mắt nhìn đồng hồ, hai khóe mắt ngân ngấn nước, Phương bấm điện thoại liên lạc với chồng.

-  Anh Hưng à! Giờ này đã hết ca trực chưa? Con gái Diêu Linh muốn nghe tiếng bố nói đây anh.

Phương bật loa điện thoại rồi đặt lên bàn. Từ phía nhà dàn DK11 tiếng của Hưng trầm ấm, dịu dàng nói với vợ và các con: “Em à! Ở nhà bố mẹ hai bên và các con có khỏe không? Tết nhất năm nay bố mẹ và em chuẩn bị đón xuân đến đâu rồi? Nhà ta năm nay có việc buồn ông nội mới mất nên không khí đón xuân cũng chắc chả được vui như các năm trước đâu nhỉ. Em động viên bố mẹ nhé. Em cũng thường xuyên sang thăm động viên ông bà ngoại của các con. Chăm hai con chu đáo, con Thịnh của bố phải chăm học và học giỏi nhé, sau tết bố từ đảo về sẽ có quà thưởng cho hai con”. Chị Phương ngắt lời chồng:

-  Anh ơi các anh ngoài nhà giàn tổ chức đón xuân có được đầy đủ không?

Hưng động viên vợ “Ở nhà bố mẹ và em cứ yên tâm, các anh ở Nhà Giàn được nhân dân cả nước quan tâm, chăm lo chu đáo lắm. Sáng hôm nay vừa có tàu từ đất liền ghé qua Nhà Giàn chuyển quà tết cho bộ đội. Nhân dân gửi ra Nhà Giàn có giò, có chả, có gà và thịt lợn nữa, rất nhiều rau xanh với có cả cành đào xuân Miền Bắc. Đơn vị anh trực Nhà Giàn chả thiếu thứ gì. Có chăng chỉ thiếu em và các con trong lúc đón giao thừa thôi. Hưng nói và động viên vợ rồi anh cười, tiếng Hưng cười qua điện thoại lẫn trong tiếng sóng rì rầm xa xa… Phương cắt ngang tiếng cười của chồng. A Lô! Anh có nghe rõ tiếng em không? Từ phía Nhà giàn Hưng trả lời vợ. Anh nghe rõ lắm. Phương lại động viên chồng. Tết này anh yên tâm, mọi việc ở nhà bố mẹ và mẹ con em chuẩn bị đầy đủ rồi. Bố bảo chiều hai chín tết sẽ gói bánh chưng, năm nay nhà mình không mua đào, mua quất gì về trang trí tết vì ông nội mới mất, nhưng vật chất thì đầy đủ như mọi nhà xung quanh. Em được công ty thưởng tháng lương thứ mười ba, em giành mua cho hai con bộ quần áo mới đẹp lắm, em cho hai con diện rồi chụp ảnh gửi cho bố Hưng để anh khoe với đồng đội trước giao thừa nhé. Em cũng chuẩn bị đầy đủ quà tết bố mẹ bên nhà rồi anh yên tâm anh nhé.

Sau câu chuyện với chồng bằng điện thoại, chị Phương chậm rãi kể cho tôi nghe về đại úy Nguyễn Phú Hưng. Chồng trở thành lính hải quân và ra với quần đảo Trường Sa từ năm 2006. Và trong 18 năm quân ngũ thì 14 tết xa nhà và lần lượt cùng đồng đội đón 5 mùa xuân ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Năm 2012 đến năm 2014 Hưng đón giao thừa trên đảo Tốc Tan B, năm 2019, 2020 Hưng đón giao thừa trên đảo Sinh Tồn Lớn, năm 2021, 2022 đón giao thừa trên đảo Phan Vinh A và xuân Giáp Thìn 2024 này, đại úy Nguyễn Phú Hưng được cùng đồng đội đón giao thừa ở nhà giàn DK11.

Phương nói từ ngày quần đảo Trường Sa có sóng điện thoại di động khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền như ngắn lại. Với vợ chồng chị Phương đã thành nếp cuối tuần, hoặc sau ca trực họ giành cho nhau lời yêu thương qua điện thoại, Hưng được trò chuyện thăm hỏi sức khỏe bố mẹ đôi bên nội ngoại, được trò chuyện động viên vợ và trò chuyện với hai “thiên thần” Hoàng Thịnh và Diệu Linh. Chị Phương cũng nói thêm rằng ở nơi đảo xa, xa cách bờ ngàn trùng như thế, gian khổ, thiếu thốn thế mà lần nào Hưng gọi điện về cho bố mẹ, cho vợ và các con anh không một tiếng kêu ca yếu đuối, phàn nàn mà luôn dành lời động viên bố mẹ, vợ và các con. Hưng luôn nhắc về những người đồng đội như Nguyễn Thành Khiêm quê ở tỉnh Bình Dương, Lê Văn Tiệp quê ở huyện Thái Thụy và nhiều đồng đội khác, họ sát cánh bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau nghe chung tiếng điện thoại từ quê nhà để dịu đi nỗi nhớ.

Tôi dành đôi lời động viên mẹ con chị Phương vui đón xuân Giáp Thìn, Phương nhẹ nhàng nói với tôi: Chú ơi! Chú chụp giúp cháu bức ảnh ba mẹ con trước giờ đón giao thừa để cháu gửi ra cho bố Hưng khoe với các đồng đội. Phương mở tủ lấy ra hai bộ quần áo mới diện cho hai con, rồi dẫn hai con ra bên cây bưởi trước sân nhà. Cây bưởi này bố Hưng các cháu trồng bốn năm rồi đấy, năm nay đậu trên hai chục quả, quả to tròn vàng óng. Tôi lấy máy chụp tấm hình ba mẹ con chị Phương làm kỷ niệm gửi ra nhà giàn DK 11 cho đại úy Nguyễn Phú Hưng xuân này dù anh có phải trực chiến nơi đảo xa vẫn bên anh hơi ấm quê nhà.

Quốc lộ 10 từ Cầu Nhất xã Tam Quang về thành phố Thái Bình chỉ non mười cây số. Chiều xuân, gió Đông Bắc thổi tung triệu triệu hạt mưa như rắc phấn trên đường. Hàn thử biểu báo dưới mười độ. Tôi hòa vào dòng người ngược về phía thành phố Thái Bình và nhận ra sắc xuân với những cành đào, cây quất đang nối nhau về các gia đình chào đón năm mới, chào đón giao thừa năm Giáp Thìn. Giao thừa này, trong ngàn vạn các gia đình quê hương Thái Bình được sum vầy hạnh phúc thì còn đó các gia đình người lính nơi biên cương, nơi hải đảo phải chấp nhận hy sinh tình cảm riêng của gia đình vì bình yên của Tổ quốc, để Tổ quốc không bị bất ngờ từ biển. Họ đón xuân ở “hai đầu nỗi nhớ ” như câu chuyện của gia đình chị Hoàng Thị Phương tôi ghi lại trước giao thừa.

Nguyễn Công Liêm

                                             (Phường Quang Trung, thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày