Thứ 5, 02/05/2024, 05:46[GMT+7]

Đạo lý và triết lý Việt

Thứ 2, 12/02/2024 | 16:11:50
3,747 lượt xem
Ngày tết, trên ban thờ tổ tiên của mọi gia đình đều có mâm ngũ quả và có nhà còn sắp thêm cặp bánh chưng, bánh dày. Hình dạng đồng bánh chưng thì vuông, bánh dày thì tròn. Vì lẽ gì?

Quan niệm cổ cho rằng trời hình tròn, đất hình vuông. Quan niệm này không chỉ người Việt xưa mà cả người phương Tây cũng nghĩ vậy. Chả vậy mà ông Galile, nhà vật lý thiên văn học trứ danh của nước Ý đã phải chịu lên giàn hỏa thiêu vì đã dám nghĩ khác Tòa thánh, rằng trời đất đều không vuông mà tròn.

Câu chuyện vuông tròn trời đất trong quan niệm của người Việt cổ còn có phần khác, nó mang thêm ý niệm về tượng số học, trong triết học về âm dương, ngũ hành.

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có câu chuyện kể về Lang Liêu. Chàng Lang Liêu là con út của vua Hùng. Vào dịp tết, vua cha mở cuộc thi chọn người kế vị ngai vàng, các vị hoàng tử đua nhau dâng đồ quý hiếm, sơn hào hải vị, ngọc ngà châu báu, riêng chàng lại chỉ dâng vua đôi cặp bánh khiêm nhường, giản dị. Điều đặc biệt khác thường là cặp bánh giản dị đó lại mang trong nó cả một ý niệm triết học về vũ trụ và giàu ý nghĩa nhân sinh.

Cũng vẫn chuyện trời tròn đất vuông, bánh dày hình tròn tượng trưng cho tượng trời, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho hình đất. Theo quan niệm xưa thì hình vuông thuộc âm vì nó có hình khối góc cạnh, vuông vắn, có thể cân đong được và nó thuộc đất. Còn hình tròn thuộc dương, thuộc trời, vì nó không có góc cạnh, hình khối cụ thể và nó có thể dãn nở vô cùng.

Đồng bánh dày mang tượng trời, vì lẽ đó nên đồng bánh dày chỉ làm bằng duy nhất một nguyên liệu là gạo. Bánh hình tròn, màu trắng, không nhân vị. Màu trắng là thứ màu vô màu, không nhân vị gì vì trời thì đâu có nhân vị gì. Đồng bánh chưng thuộc đất, và đặt vào trong đồng bánh đủ 5 loại nhân vị (ngũ hành), như gạo màu trắng - thuộc kim, nhân đậu màu vàng - thuộc thổ, nhân thịt màu phớt đỏ - thuộc hỏa, nước luộc bánh - thuộc thủy và lá dong gói bánh, lá thuộc mộc. Vậy là có đủ ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) - 5 loại chất có trong quả đất này.

Thêm nữa, bánh dày thuộc dương, tượng trời, ví như người cha, còn bánh chưng thuộc âm, tượng đất, ví như người mẹ. Ngày tết, con cái dâng lên cha mẹ cặp bánh mang giá trị như vậy còn gì đầy đủ ý nghĩa và quý giá bằng. Chẳng phải chỉ trời đất mới xứng đáng với đầy đủ biểu tượng về các hợp chất thế gian vậy sao.

Thật trân quý khi dân tộc ta có thứ sản vật, đồ ăn tưởng bình thường mà lại mang trong nó quan niệm, biểu tượng triết học về lẽ trời - đất, âm dương, ngũ hành - một quy luật vận động sự sống thế gian.

Với lý do riêng biệt và quý giá, cặp bánh chưng, bánh dày mới được dùng làm vật thiêng lễ tổ tiên nòi giống vào một ngày lễ trọng bậc nhất: ngày tết Nguyên đán - ngày khởi đầu cho một năm với 24 tiết khí trong lịch mặt trăng, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân trồng lúa nước, thuộc nền Văn hóa Văn Lang - Văn minh sông Hồng ngàn tuổi.

Đỗ Trọng Khơi

(Thành phố Thái Bình)






Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày