Thứ 6, 27/12/2024, 01:31[GMT+7]

Khu kinh tế Thái Bình: Rực rỡ chặng đầu phát triển

Thứ 3, 13/02/2024 | 15:05:25
22,974 lượt xem
Thành lập và triển khai xây dựng mới chỉ hơn 5 năm nhưng Khu kinh tế (KKT) Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo khí thế và truyền cảm hứng phát triển. Đây thực sự là địa bàn chiến lược góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh vươn lên.

Vạn sự khởi đầu nan

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập KKT Thái Bình. Vào thời điểm đó, với Thái Bình đây là mô hình kinh tế - xã hội hoàn toàn mới mẻ mang đến hy vọng đột phá phát triển cho địa phương, song cũng đặt ra nhiều thách thức, nỗi trăn trở rằng phải định hình KKT như thế nào, bắt đầu xây dựng và nguồn lực từ đâu... Để giải những câu hỏi hóc búa đó, ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã họp và thống nhất ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển KKT Thái Bình. Nghị quyết ra đời vừa là kim chỉ nam hành động vừa tập trung trí tuệ, huy động mọi nguồn lực để cả hệ thống chính trị bắt tay vào triển khai xây dựng KKT.

Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Quản lý KKT và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Để xây dựng KKT, khởi đầu chính là công tác thiết kế xây dựng quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách. Trên cơ sở những mong muốn, thực tiễn yêu cầu phát triển của tỉnh và tham khảo các mô hình KKT trong cả nước, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu để có bức tranh tổng thể của KKT và xây dựng lộ trình triển khai các khu chức năng. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng KKT theo hướng đa ngành; hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 của 11 khu chức năng gồm 7 khu công nghiệp (KCN), 2 khu bến cảng, khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf cồn Vành - cồn Thủ; khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai tổ chức lập quy hoạch các khu chức năng khác theo kế hoạch và nhu cầu đầu tư, chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành để Thái Bình vượt qua những khó khăn, nhanh chóng triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, thu hút nguồn lực và nhà đầu tư vào xây dựng KKT. 

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thái Thụy cho biết: Để phục vụ phát triển KCN Liên Hà Thái - KCN tiên phong trong KKT và các tuyến đường kết nối vùng, đường trục KKT, huyện phải thực hiện giải phóng mặt bằng hàng nghìn héc-ta đất. Với diện tích phải thu hồi lớn và liên quan đến gần 5.000 hộ dân, doanh nghiệp, thực sự đây là công việc rất khó khăn. Song, bằng quyết tâm chính trị, kiên trì tuyên truyền, vận động tạo nhận thức chung và đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nên công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi. Nhiều diện tích được coi là nút thắt trong giải phóng mặt bằng như đất nghĩa trang, mồ mả, nhà thờ... cũng được di dời nhanh chóng góp phần đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.


Xây những mô hình kiểu mẫu

Trong 5 năm qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối KCN Liên Hà Thái đi cầu sông Hóa, tuyến đường cao tốc CT.08 đoạn qua Thái Bình, Nam Định, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cồn Vành... và các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong KKT. Những tuyến đường mới được đầu tư đồng bộ, kết nối không chỉ mang lại diện mạo mới, hiện đại mà còn tác động tích cực đến việc thu hút các nhà đầu tư vào KKT Thái Bình.

Bên cạnh hạ tầng, Thái Bình đang tạo ra nhiều mô hình kiểu mẫu trong xây dựng KKT. Điểm sáng chính là KCN Liên Hà Thái với công thức: Mặt bằng sạch sẵn có + đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhanh, hiện đại + chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn + xúc tiến mời gọi hợp tác và hỗ trợ thiết thực cho nhà đầu tư thứ cấp. 

Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (nhà đầu tư hạ tầng KCN Liên Hà Thái) cho biết: Là KCN tiên phong, truyền cảm hứng để thu hút đầu tư vào KKT nên ngay từ đầu chúng tôi xác định phải tạo sự đột phá cả về hạ tầng kỹ thuật và cơ chế hợp tác đầu tư cho Liên Hà Thái. Đi theo định hướng đó, Green i-Park dốc toàn lực đầu tư các hạng mục hạ tầng KCN như giao thông, điện, cấp - thoát nước, xử lý nước thải, cây xanh, quy hoạch mặt bằng cho từng khu theo tính chất ngành nghề thu hút. Có thể khẳng định, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Liên Hà Thái không chỉ đồng bộ, hiện đại mà còn xanh, thông minh đáp ứng nhu cầu của mọi nhà đầu tư lớn trong nước và trên thế giới. Nhờ đó chỉ sau hơn 2 năm, KCN đã thu hút được 14 dự án thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.186,5 triệu USD.

Thái Bình đang trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo nhiều doanh nghiệp FDI, Thái Bình là mô hình mẫu về đổi mới, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi, sẵn sàng đáp ứng. 

Hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình đang được đầu tư và dần hoàn thiện đồng bộ.

Ông Hwang Jung Ho, Giám đốc kinh doanh quốc tế Tập đoàn HiteJinro cho biết: Sau 100 năm hoạt động tại Hàn Quốc, chúng tôi quyết định đầu tư dự án đầu tiên ra nước ngoài và đặt niềm tin của mình vào KKT Thái Bình. HiteJinro tin vì ngoài các yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông kết nối, mặt bằng phù hợp thì môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Bình rất tuyệt vời. Chúng tôi được hỗ trợ tối đa về các thủ tục đầu tư từ nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập pháp nhân đầu tư cho đến các thủ tục triển khai xây dựng dự án rất nhanh chóng và hiệu quả.

Trái ngọt đầu mùa

Tính từ năm 2021 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động nhưng KKT, KCN đã thu hút được 51 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 94.838 tỷ đồng, riêng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn từ năm 2020 trở về trước.

Từ địa phương chỉ thu hút được những doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào lĩnh vực dệt may, cơ khí thì nay Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án có quy mô khá lớn thuộc lĩnh vực điện, điện tử, trang thiết bị y tế, ô tô... có công nghệ tiên tiến. Sự xuất hiện những dự án của các nhà đầu tư có tên tuổi hàng đầu thế giới như Pegavision, Lotes, Compal, Greenworks, VSIP, Tokyo gas, Kyuden... tại KKT đã đưa Thái Bình vào bản đồ điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam liên tục trong 3 năm qua. Đi cùng với đó là kinh tế của tỉnh không ngừng tăng trưởng: năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh ước đạt 203.029 tỷ đồng, tăng 6,6%, trong đó giá trị ngành công nghiệp ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022.

5 năm qua, KKT Thái Bình mới chỉ khởi động ở lĩnh vực công nghiệp song đã mang lại hiệu quả tích cực với những kết quả thật sự là trái ngọt đầu mùa. Để KKT trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, hiện nay cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đang tập trung chỉ đạo, dành nguồn lực xây dựng KKT phát triển toàn diện cả về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị, kinh tế biển và hình thành trung tâm logictics của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng KKT, phấn đấu mỗi năm thu hút vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 60 - 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. KKT đã phát triển rực rỡ chặng đường đầu và chúng ta tin rằng những năm tới, nơi đây sẽ tiếp tục tỏa sáng để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, đời sống của người dân ngày càng sung túc, hạnh phúc.Sản xuất phụ tùng ô tô tại Công ty Toyoda Gosei Hải Phòng - Thái Bình tại KCN Tiền Hải, thuộc Khu kinh tế Thái Bình.  

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày