Thứ 5, 02/05/2024, 09:16[GMT+7]

Chật vật tìm nguồn hỗ trợ ứng phó khẩn cấp

Thứ 4, 06/03/2024 | 12:03:06
996 lượt xem
Liên hợp quốc thông báo đã dành 100 triệu USD để hỗ trợ các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại 7 quốc gia, trong đó có CHDC Congo, Sudan và Syria.

Hỗ trợ lương thực cho người dân Congo. Ảnh: WFP

Đây là một trong những khoản hỗ trợ thấp nhất trong những năm gần đây do các tổ chức viện trợ đang chật vật để huy động gây quỹ tại thời điểm xảy ra một loạt cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới. 

Trong bối cảnh thế giới phải hứng chịu hàng loạt cú sốc và các nguồn tài trợ dần cạn kiệt, nhiều nước châu Phi đối mặt thảm họa nhân đạo trầm trọng.

Nguồn tiền hỗ trợ dành cho các nước nêu trên được trích từ Quỹ ứng phó tình trạng khẩn cấp (CERF) của Liên hợp quốc. Ngoài CHDC Congo, Sudan và Syria, số tiền này cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp tại Chad, Niger, Liban và Honduras. 

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nhấn mạnh, số liệu phản ánh nguồn tài trợ mà CERF nhận được trong năm 2023 đã sụt giảm và là mức thấp nhất kể từ năm 2018, cũng như phản ánh thực tế là các nguồn tiền tài trợ không đáp ứng kịp nhu cầu nhân đạo đang tăng cao. 

Nhu cầu viện trợ toàn cầu đã lên đến gần 57 tỷ USD trong năm ngoái khi nhiều cuộc xung đột nổ ra, trong đó đáng lo ngại nhất là cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.

Tháng trước, trong một tuyên bố kêu gọi các quốc gia, các nhà tài trợ tăng thêm sự ủng hộ tài chính, OCHA cho biết, mức chênh lệch giữa nhu cầu tài chính và các nguồn lực huy động được đã lên đến mức cao chưa từng có là 35 tỷ USD.

Tháng trước, trong một tuyên bố kêu gọi các quốc gia, các nhà tài trợ tăng thêm sự ủng hộ tài chính, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, mức chênh lệch giữa nhu cầu tài chính và các nguồn lực huy động được đã lên đến mức cao chưa từng có là 35 tỷ USD.

Là châu lục chịu tác động nặng nề bởi các cuộc xung đột, đại dịch Covid-19, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến khủng hoảng lương thực kéo dài, châu Phi đứng trước thách thức lớn về an ninh lương thực. 

Nhiều quốc gia trong châu lục đang cận kề nạn đói. Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, ít nhất 25 triệu người trên khắp Sudan, Nam Sudan và Chad đang đối mặt tình trạng gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng do xung đột lan rộng ở Sudan. 

Việc thiếu hụt hàng trăm triệu USD kinh phí tài trợ đã buộc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc phải cảnh báo về nguy cơ thảm họa nhân đạo hiển hiện đối với người dân Sudan. 

Với nguồn lực hạn chế, WFP chỉ có thể dành ưu tiên cho những người vừa lánh nạn sang các nước láng giềng. Điều này đồng nghĩa với việc số người tị nạn trước đó phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt là không còn nhận được hỗ trợ nữa. 

Bên cạnh đó, khoảng 18 triệu người dân ở Sudan cũng đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó nhiều người còn mắc kẹt trong vùng chiến sự. Sudan đã chứng kiến các cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự kể từ ngày 15/4/2023. 

Cuộc giao tranh đã khiến hơn 13.000 người đã thiệt mạng, hơn 11 triệu người phải chạy tị nạn. 

Sau gần 10 tháng xung đột, hơn một nửa dân số Sudan cần được bảo vệ và hỗ trợ nhân đạo. Ngoài ra, xung đột cũng đã buộc hơn 1,5 triệu người phải chạy trốn qua biên giới để đến các quốc gia vốn đang phải tiếp nhận đông người tị nạn. 

WFP đánh giá tình hình hiện nay tại Sudan là thảm khốc khi gần 18 triệu người đang đối mặt với nạn đói cấp tính, khoảng 5 triệu người bị đói ở mức độ khẩn cấp vì xung đột ở các khu vực như Khartoum, Darfur và Kordofan. 

Trưởng đại diện WFP tại Sudan Eddie Rowe cho biết, WFP có lương thực tại chỗ, song tình trạng thiếu tiếp cận nhân đạo, cùng nhiều rào cản không cần thiết khác, đã ngăn cản việc cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người dân.

Trong khi đó, tại Ethiopia, các đợt hạn hán, xung đột, dịch bệnh mới và đang diễn ra ngày càng phức tạp khiến ít nhất 20 triệu người, trong đó có khoảng 10,8 triệu trẻ em, đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp vào năm 2024. 

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, năm nay cơ quan này cần 535 triệu USD để giải quyết những thách thức ngày càng tăng mà những nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang phải đối mặt và giúp ngăn chặn những hậu quả tai hại của các cuộc khủng hoảng chồng chéo ở Ethiopia. 

Số kinh phí nêu trên cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cơ bản, cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, tiêm chủng và cung cấp nước sạch cho các gia đình có nhu cầu. 

Các cơ quan viện trợ nhân đạo quốc tế đang kêu gọi các nhà tài trợ và các chính phủ tăng cường hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng đói tại Ethiopia. Hạn hán do El Nino đã ảnh hưởng đến lượng mưa mùa hè ở Ethiopia, dẫn tới thiếu nước nghiêm trọng, các đồng cỏ khô hạn, ảnh hưởng đến mùa vụ cây trồng ở nhiều nơi. 

Các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất ở miền Bắc Ethiopia gồm Amhara, Tigray và Afar, nơi các cộng đồng dân cư vẫn chưa phục hồi sau cuộc xung đột từ năm 2020-2022.

Trước tình hình nguy cấp tại các điểm nóng nhân đạo ở châu Phi hiện nay, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ tài chính và phương tiện cần thiết nhằm ngăn chặn các thảm họa nạn đói. 

Theo ông Dujarric, lời kêu gọi không chỉ nhằm mục đích thúc giục hành động cứu trợ ngay lập tức, mà còn là lời nhắc nhở về mối liên hệ giữa sự ổn định khu vực và trách nhiệm toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày