Thứ 4, 15/01/2025, 15:47[GMT+7]

Giải pháp bảo đảm an ninh Trung Mỹ và Caribe

Thứ 6, 22/03/2024 | 08:45:52
2,279 lượt xem
Tình hình an ninh đang xấu đi nhanh chóng tại Haiti đẩy quốc gia vùng Caribe này vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, buộc chính phủ nước này phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm. Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) kêu gọi tất cả các chủ thể chính trị ở Haiti đối thoại rộng rãi để giải quyết tình hình nhằm ngăn chặn nguy cơ gây mất ổn định khu vực.

Người biểu tình phản đối Thủ tướng Haiti Ariel Henry gây bạo loạn tại Port-au-Prince, ngày 7/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bạo lực leo thang

Haiti rơi vào bất ổn nghiêm trọng sau khi các băng nhóm tội phạm tấn công Nhà tù quốc gia và thả 3.597 tù nhân ngay trong tuần đầu tháng 3 vừa qua. Đây là nơi giam giữ gần 4.000 người trong một không gian dành cho từ 800-1.300 tù nhân.

Nhà tù quốc gia Haiti không chỉ giam giữ những tội phạm khét tiếng nhất đất nước, mà còn giam giữ một số người Colombia bị buộc tội sát hại cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise. Các vụ xả súng của băng nhóm tội phạm tiếp diễn tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti, đặc biệt là chung quanh sân bay. Bạo lực băng nhóm ở thủ đô Port-au-Prince lan rộng với tốc độ đáng báo động tại những khu vực mà trước đây được coi là tương đối an toàn. Tội phạm có vũ trang mạnh đã tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng như bến cảng và đồn cảnh sát, đồng thời chiếm quyền kiểm soát các tuyến đường cao tốc dẫn vào thủ đô.

Trong khi đó, Thủ tướng Haiti Ariel Henry vẫn chưa về nước sau khi ông tới Guyana để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Caribe (CARICOM) và sau đó tới Kenya để thúc đẩy nỗ lực kêu gọi đưa lực lượng an ninh đa quốc gia đến Haiti.

Trước đó, Chính phủ Haiti đã cam kết tổ chức bầu cử trước ngày 31/8/2025. Thủ tướng Henry, người được bổ nhiệm thay người tiền nhiệm Claude Joseph vài ngày trước khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát ngày 7/7/2021, cũng cam kết sẽ đóng vai trò trung gian và chia sẻ quyền lực.

Theo thỏa thuận chính trị được ký kết, Haiti sẽ tổ chức bầu cử và Thủ tướng Henry chuyển giao quyền lực cho quan chức được bầu trước ngày 7/2/2024. Tuy nhiên, ông Henry đã hoãn vô thời hạn bầu cử với lý do cần thiết lập lại an ninh để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra tự do, công bằng trong bối cảnh các băng nhóm tội phạm được trang bị vũ khí hạng nặng gia tăng hoạt động kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Moise. Thủ tướng Henry đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài để đối phó bạo lực băng nhóm.

Bất ổn leo thang ở Haiti khiến các quốc gia khu vực lo ngại có thể tác động xấu tới an ninh khu vực. Cảnh giác trước tình hình ngày càng xấu đi ở quốc gia láng giềng Haiti, Tổng thống Cộng hòa Dominicana Luis Abinader ra lệnh tăng cường an ninh ở khu vực biên giới và duy trì trật tự trong nước.

Ông Luis Abinader cảnh báo sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với những đối tượng tội phạm tìm cách vượt biên vào lãnh thổ CH Dominicana. Trong khi đó, Bahamas đã kích hoạt một chiến dịch nhằm phong tỏa biên giới phía Đông Nam của đảo quốc này với việc triển khai đông đảo các phương tiện trên không, trên biển và trên bộ do lo ngại hàng nghìn tù nhân Haiti vượt ngục xâm nhập lãnh thổ.

Người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Hoàng gia Bahamas (RBDF) Raymond King cho biết, nước này dự kiến trao đổi thông tin tình báo và hợp tác với Mỹ và Cuba, đồng thời tuyên bố sẵn sàng “từ chối hoặc đánh chặn” bất cứ tàu thuyền nào từ Haiti.

Mexico khuyến cáo công dân không tới Haiti và khuyến nghị người Mexico đang có mặt tại đây tích trữ nước, thực phẩm, nhiên liệu, đồng thời không ra đường khi không cần thiết. Mỹ, Pháp, Canada và Tây Ban Nha đã đóng cửa tạm thời Đại sứ quán tại Haiti, hủy mọi cuộc làm việc và ra các khuyến nghị tương tự đối với công dân của mình.

An ninh khu vực bị đe dọa

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng tội phạm ma túy và buôn bán vũ khí bất hợp pháp ngày càng gia tăng ở các quốc gia Trung Mỹ và Caribe đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và an ninh của khu vực. Theo Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) - một cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Haiti đã trở thành điểm trung chuyển cho hoạt động buôn bán ma túy, bao gồm cocaine và cần sa, hướng tới Cộng hòa Dominicana, Mỹ và Tây Âu. Khu vực Trung Mỹ và Caribe hiện phải hứng chịu mức độ bạo lực vũ trang và tình trạng bất ổn cao, thường liên quan đến hoạt động của các băng nhóm tội phạm ma túy và đường phố. Trích dẫn nhiều nghiên cứu gần đây, INBC nhấn mạnh, Trung Mỹ và Caribe là khu vực trung chuyển ma túy. Nhiều tuyến đường của các băng nhóm ma túy Nam Mỹ đi qua các quốc gia ở Trung Mỹ và Caribe. Đây là nơi có tỷ lệ giết người bằng súng cao nhất thế giới.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, số vụ phạm tội bao gồm giết người, hãm hiếp, bắt cóc và tra tấn đã tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2022 và khoảng 80% số thành phố của Haiti hiện nằm dưới quyền kiểm soát của các nhóm vũ trang. Diễn biến đáng lo ngại này đi kèm với tình trạng gia tăng hoạt động buôn bán súng cỡ lớn và đạn dược đến Haiti bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển. Đây được cho là yếu tố thúc đẩy làn sóng di cư từ khu vực này tăng cao. Năm qua, khoảng 2,6 triệu công dân Mỹ Latin và Caribe đã nộp đơn xin tị nạn, chiếm hơn 40% tổng số đơn đăng ký trên toàn cầu.

Trước làn sóng bạo lực mới ở Haiti, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi sự cần thiết phải khẩn trương hành động, nhất là việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho một sứ mệnh an ninh đa quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ tại quốc gia vùng Caribe này.

Ông Guterres hối thúc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Haiti. 33 quốc gia thành viên CELAC cũng ra tuyên bố nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng hiện tại đòi hỏi phải có một giải pháp do Haiti lãnh đạo, bao gồm một cuộc đối thoại rộng rãi giữa các chủ thể trong xã hội. CELAC cũng công nhận vai trò của các quốc gia và tổ chức trong khu vực trong việc hỗ trợ đối thoại chính trị giữa chính phủ với các đảng phái và thể chế chính trị khác nhau của xã hội Haiti nhằm vạch ra lộ trình vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại.

Các quốc gia thành viên CELAC, trong đó có Haiti, kêu gọi thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nghị quyết 2699 (năm 2023) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các điều kiện an ninh cần thiết ở Haiti để tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Trong khi đó, 5 quốc gia gồm Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin và CH Chad đã cam kết đóng góp nhân lực cho lực lượng Hỗ trợ an ninh đa quốc gia nhằm giúp Haiti đối phó với bạo lực băng nhóm.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby cho biết, các quan chức cấp cao của Mỹ vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với những người đồng cấp ở quốc gia Caribe này cũng như nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế để giúp ổn định tình hình và nhanh chóng hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài. Theo ông Kirby, Mỹ đang hợp tác với các đồng minh quốc tế để tăng tốc hỗ trợ cho Cảnh sát quốc gia Haiti, cũng như đẩy nhanh việc triển khai phái đoàn hỗ trợ an ninh đa quốc gia do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ đạo và do Kenya đứng đầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày