Thứ 6, 22/11/2024, 04:28[GMT+7]

Chính phủ Anh giải “bài toán khó” về người di cư

Thứ 3, 02/04/2024 | 08:38:03
2,378 lượt xem
Chính phủ Anh đứng trước thách thức lớn trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng di cư tiếp tục đổ về Xứ sở sương mù, với gánh nặng chi phí cho kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda có thể tăng lên đến 3,9 tỷ bảng (5 tỷ USD) trong vòng 5 năm. Sau khi Anh thông qua luật không cấp quy chế tị nạn đối với những người nhập cư trái phép vào Anh bằng đường biển vào tháng 7/2023, Chính phủ Anh trong tuần này dự kiến sẽ đệ trình Hạ viện dự luật về việc điều chuyển số người nhập cư trái phép đang ở Anh đến Rwanda.

Một nhóm người di cư bị phát hiện khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Ảnh: BBC/Thời nay

Hiệp ước gây tranh cãi với Rwanda

Thủ tướng Anh Rishi Sunak coi chống di cư bất hợp pháp là một trong năm cam kết quan trọng của ông trước bầu cử, trong đó kế hoạch đưa người di cư đến Rwanda hoặc một quốc gia thứ ba an toàn là mấu chốt. Hồi đầu tháng 12 năm 2023, Anh và Rwanda đã ký một hiệp ước di cư mới nhằm khôi phục kế hoạch gây tranh cãi của London về việc chuyển người di cư đến quốc gia Đông Phi. Theo đó, những người nhập cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn tại Anh sẽ được gửi đến Rwanda.

Hiệp ước di cư mới với Rwanda vẫn gây tranh cãi.

Tuy nhiên, hiệp ước di cư mới với Rwanda vẫn gây tranh cãi. Trước thời điểm Anh và Rwanda ký kết, hội đồng gồm năm thẩm phán tại Tòa án Tối cao Anh (SCUK) đã giữ nguyên phán quyết của Tòa phúc thẩm, trong đó khẳng định chính sách này không phù hợp nghĩa vụ của Anh theo quy định của các hiệp ước quốc tế. Hội đồng cảnh báo nguy cơ về việc biện pháp “tái định cư” này có thể sẽ buộc Rwanda phải gửi trả lại những người xin tị nạn và người tị nạn về những quốc gia, nơi họ có thể phải đối mặt nhiều rủi ro.

Một số nghị sĩ Anh cho rằng, quy định chưa đủ cứng rắn để ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, trong khi số khác lo ngại một dự luật cứng rắn hơn đồng nghĩa với việc Chính phủ Anh vi phạm luật pháp và các nghĩa vụ quốc tế. Phản biện lại các ý kiến này, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, đây là dự luật cứng rắn nhất từng được đưa ra trước Quốc hội và chính phủ sẽ cố gắng để bảo đảm dự luật có hiệu lực.

Sau những nỗ lực của Thủ tướng Rishi Sunak bảo vệ thỏa thuận ký với Rwanda, dự luật về đưa người tị nạn sang Rwanda đã được Hạ viện Anh thông qua, theo đó quy định quốc gia châu Phi này là điểm đến an toàn. Đây là bước tiến lớn trong kế hoạch ngăn chặn người nhập cư vượt biển bằng thuyền nhỏ.

Tuy nhiên, cuộc tranh cãi trong Quốc hội Anh vẫn tiếp diễn. Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak dự kiến trong tuần này sẽ tiếp tục đệ trình Hạ viện dự luật về việc điều chuyển số người nhập cư trái phép hiện đang ở Anh đến Rwanda, nếu được thông qua, chi phí cho kế hoạch trục xuất người nhập cư trái phép của Chính phủ Anh có thể thay đổi tùy theo số người được đưa đến Rwanda và thời gian lưu trú của họ. Theo kế hoạch của Chính phủ Anh, ban đầu sẽ có hàng trăm người được đưa đến Rwanda mỗi tuần và con số sau đó sẽ tăng dần lên hàng nghìn người.

Gánh nặng chi phí

Trong hai năm qua, 76.000 người từ các quốc gia trên khắp thế giới đã đến Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những con thuyền nhỏ, với số người chết trong hành trình nguy hiểm này tăng gấp ba lần trong năm 2023 so với năm trước đó. Năm 2023, Chính phủ Anh thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp bằng đường biển. Eo biển Manche là một trong những tuyến đường vận tải biển bận rộn nhất trên thế giới.

Việc giải quyết tình trạng người di cư xâm nhập bất hợp pháp qua tuyến đường này đặt ra nhiều thách thức cho đảng Bảo thủ cầm quyền. Đảng cầm quyền hy vọng chặn các tàu thuyền đưa người vượt eo biển Manche trái phép bằng cách cấm xin tị nạn đối với tất cả người nhập cư mà không được cấp phép trước và đưa những người này tới Rwanda. Thêm vào đó, Chính phủ Anh khẳng định, thỏa thuận với Chính phủ Pháp dành 480 triệu bảng Anh (610 triệu USD) để tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn người nhập cư bắt đầu có hiệu quả.

Cho đến nay, để triển khai kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến Anh bằng đường biển, nước này đã đồng ý trả trước cho Rwanda khoản tiền 490 triệu bảng, cùng với 80 triệu bảng cho chi phí thiết lập và thêm 20.000 bảng cho mỗi người tái định cư.

Việc giải quyết tình trạng người di cư xâm nhập bất hợp pháp qua tuyến đường này đặt ra nhiều thách thức cho đảng Bảo thủ cầm quyền.

Thông tin mới được Viện Nghiên cứu Chính sách công (IPPR) có trụ sở tại London cho rằng, số tiền thực tế mà Anh sẽ phải chi để đưa những người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda có thể lên tới 230.000 bảng/người, tùy thuộc thời gian họ ở lại quốc gia châu Phi này. Con số này cao hơn rất nhiều so với chi phí ước tính 55.000 bảng/người mà chính phủ của ông Sunak dự kiến chi cho những người tị nạn trong hai năm.

Tổng số tiền nước Anh phải chi để chuyển khoảng 20.000 người nhập cư bất hợp pháp kể từ tháng 7/2023 sẽ là 1,1 tỷ bảng nếu những người này rời khỏi Anh ngay lập tức. Tuy nhiên, chi phí sẽ tăng lên 3,9 tỷ bảng nếu 90% số người vượt biên này ở lại Anh từ 5 năm trở lên. Trong khi đó, nhằm giảm bớt căng thẳng cho hệ thống di cư, Chính phủ Anh cho biết sẽ hỗ trợ những người bị bác đơn xin tị nạn khoản tiền 3.000 bảng để chuyển đến Rwanda thay vì ở lại Anh theo kế hoạch do chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak mới đưa ra. Chương trình chi trả tiền này tách biệt với hiệp ước được ký giữa London và Kigali.

Năm 2023, Chính phủ Anh bác hàng chục nghìn đơn xin tị nạn. Dù bác đơn của người di cư nhưng chính phủ cũng không được phép đưa họ trở về các quốc gia bị tàn phá do xung đột. Điều này đồng nghĩa rằng Chính phủ Anh phải chi trả cho nhiều chi phí phát sinh, như cung cấp chỗ ở tạm thời cho người di cư trong khách sạn, vốn đã tăng lên 8 triệu bảng mỗi ngày vào năm 2023. Trong bối cảnh còn tồn tại bất đồng sâu sắc về dự luật liên quan những khoản chi phí khổng lồ cùng rủi ro phát sinh đặt chính phủ của Thủ tướng Sunak trước “bài toán khó” trong giải quyết vấn đề người di cư.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày