Chủ nhật, 24/11/2024, 13:58[GMT+7]

Đại học Quốc gia TP HCM xây dựng chương trình nghiên cứu AI

Chủ nhật, 07/04/2024 | 18:14:12
2,553 lượt xem
Từ nay đến 2030, Đại học Quốc gia TP HCM có ít nhất 20 sản phẩm mới từ công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT… chế tạo thành công một chip AI.

Học sinh trải nghiệm lắp ghép robot tại Trung tâm giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia TP HCM (AIC), tháng 5/2022.

Nội dung nêu trong dự thảo khung chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Đại học Quốc gia TP HCM giai đoạn đến năm 2030 đang lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện. Đề án nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tiên tiến về lĩnh vực AI, tăng cường hợp tác nghiên cứu liên ngành.

Đại học Quốc gia TP HCM xác định đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Ngoài ra, Khung chương trình cũng hướng đến việc chuyển giao công nghệ, xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đưa AI trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số. Công nghệ này cũng được xem là nền tảng khuyến khích các sáng kiến khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ để kích thích sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ và khởi nghiệp.

Ngoài đào tạo và phát triển công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM cũng đặt mục tiêu có 150 bài báo trong tạp chí quốc tế được xếp hạng Q1 hay hội nghị uy tín. Nhà trường hướng đến có 10 bằng sở hữu trí tuệ quốc tế, 50 sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước và 100 bản quyền phần mềm, 5 thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn cho các chip AI.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Đại học Quốc gia TP HCM tập trung xây dựng các bộ dữ liệu đặc thù của Việt Nam dùng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như dữ liệu dân số và dân số học; dữ liệu địa lý và không gian; dữ liệu kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe, công nghiệp...

Trong giai đoạn này, trường hình thành và bồi dưỡng ít nhất 20 nhóm nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó có tối thiểu 5 nhóm nghiên cứu mạnh và 10 nhóm nghiên cứu chủ đề liên ngành. Các nhóm nghiên cứu mạnh tập trung phát triển các nghiên cứu, ứng dụng AI trong các lĩnh vực như sức khỏe, nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững, giáo dục, hành chính công, AI tạo sinh, bảo mật và tính riêng tư trong AI, các nghiên cứu cơ bản của AI...

TP HCM đã xác định 4 định hướng phát triển AI, trong đó, nguồn nhân lực được lãnh đạo TP HCM nhấn mạnh cần phải thực hiện sớm nhất. Hiện, Đại học Quốc gia thành phố hàng năm đào tạo khoảng 4.000 sinh viên ngành công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Theo vnexpress.net