Thứ 6, 03/05/2024, 06:13[GMT+7]

Hỏi đáp về Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

Thứ 2, 08/04/2024 | 10:06:10
4,284 lượt xem

Câu 1: “Rửa tiền” là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Trong đó, tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu thập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.

Câu 2: Đối tượng báo cáo công tác phòng, chống rửa tiền gồm những ai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 thì: Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

+ Nhận tiền gửi;

+ Cho vay;

+ Cho thuê tài chính;

+ Dịch vụ thanh toán;

+ Dịch vụ trung gian thanh toán;

+ Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền;

+ Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;

+ Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;

+ Môi giới chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;

+ Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;

+ Đổi tiền.

- Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

+ Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;

+ Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;

+ Kinh doanh kim khí quý, đá quý;

+ Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;

+ Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Câu 3: Đề nghị cho biết, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Điều 8 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền gồm:

- Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền;

- Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả;

- Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc: Ngân hàng vỏ bọc là ngân hàng không có sự hiện diện thực tế tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà tại đó ngân hàng phải được thành lập và cấp phép, đồng thời không có sự liên kết hoặc kiểm soát của bất kỳ định chế tài chính nào đã được quản lý và giám sát (Khoản 13 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022);

- Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền;

- Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.

Câu 4: Trong công tác phòng, chống rửa tiền, các thông tin để nhận biết khách hàng bao gồm các thông tin gì?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định thông tin nhận biết khách hàng phải có các thông tin chính sau đây:

* Thông tin nhận dạng khách hàng:

- Đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại khác (nếu có).

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại liên lạc; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ cư trú ở nước ngoài;

- Đối với khách hàng cá nhân là người có từ hai quốc tịch trở lên: thông tin tương ứng quy định nêu trên; quốc tịch, địa chỉ cư trú ở quốc gia mang quốc tịch còn lại;

- Đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (nếu có), số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài (nếu có), địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng là tổ chức: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số giấy phép thành lập, mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; số điện thoại liên lạc; số fax, trang thông tin điện tử (nếu có); lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, người đại diện theo pháp luật; Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức bao gồm các thông tin tương ứng quy định trên và các thông tin tại quy định này đối với trường hợp người thành lập là tổ chức.

* Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi:

- Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi bao gồm thông tin nhận dạng khách hàng nêu trên. Đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi;

* Mục đích và bản chất của mối quan hệ kinh doanh của khách hàng với đối tượng báo cáo.

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)

( còn nữa)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày