Thứ 6, 22/11/2024, 11:22[GMT+7]

Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa: Nhân lên tinh thần yêu nước

Thứ 3, 16/04/2024 | 08:36:25
11,300 lượt xem
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.969 thiết chế văn hóa cổ có dấu tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê, trong đó có 732 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh. Là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, di tích khi được bảo tồn và phát huy đúng cách chính là thể hiện cụ thể của tinh thần yêu nước, sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với tiền nhân. Đồng thời, là cội nguồn, sức mạnh nội sinh góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bảo lưu hội thi giã bánh giầy tại lễ hội đền A Sào (Quỳnh Phụ).

Vinh dự khi di tích được xếp hạng

Ngày 17/3, tại đình Quán, xã Quang Bình (Kiến Xương) diễn ra lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia và khai mạc lễ hội truyền thống trong niềm vui mừng của hàng nghìn người dân quê hương, du khách thập phương. Các hoạt động trong suốt 3 ngày lễ hội như lễ rước kiệu, trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân nhằm bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống ở nơi đây.

Đình Quán là ngôi đình cổ có kết cấu 3 phần, trong đó hậu cung được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, chính điện được xây dựng đầu thế kỷ XX hoàn toàn bằng gỗ lim. Trong các cuộc kháng chiến, di tích là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, tâm linh phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. 

Ông Phan Văn Lượng, Trưởng ban khánh tiết đình Quán chia sẻ: Nhân dân cùng quý khách thập phương, con cháu xa gần công đức gìn giữ ngôi đình khang trang, tất cả đồ thờ cúng có giá trị lịch sử như khám thờ, hoành phi, câu đối, đặc biệt pho kiệu bát cống và kiệu đức chúa trên 200 năm tuổi cùng nhiều sắc phong có giá trị vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Chúng tôi mong muốn cùng với cấp ủy, chính quyền, ban quản lý di tích, nhân dân địa phương chung tay giữ gìn, bảo vệ ngôi đình truyền thống ông cha để lại cho con cháu mai sau.

Cùng chung niềm vui di tích trên quê hương được xếp hạng, những ngày tháng 3 vừa qua, người dân xã An Khê (Quỳnh Phụ) nô nức trở về đình An Quý dự lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Để tỏ lòng tôn kính tri ân các bậc tiền nhân, lễ hội đình An Quý tổ chức trong 3 ngày với các trò chơi dân gian như cờ tướng, kéo co, đập niêu, bắt vịt, giao lưu văn nghệ giữa các thôn làng...

Là người con An Khê hiện đang sinh sống, làm việc xa quê nhưng luôn có đóng góp tích cực đối với việc xây dựng, phát triển quê hương, ông Vũ Đức Cung cho biết: Đình An Quý là nơi sinh hoạt văn hóa của bà con nhân dân thôn An Quý nói riêng, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ nói chung. Đây là nơi mỗi người đều nghĩ về những điều thiện lành, nơi ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Trong dòng chảy phát triển của quê hương, chúng tôi vui mừng nhận thấy giá trị truyền thống cốt lõi đã được xây dựng trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm qua vẫn được giữ gìn và phát huy. Chúng tôi là những người con xa quê, dù ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn trân trọng, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc đóng góp công sức xây dựng, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Vai trò chủ thể của cộng đồng

Theo danh mục kiểm kê di tích, huyện Quỳnh Phụ là 1 trong 4 địa phương trên địa bàn tỉnh có số lượng di tích tập trung dày đặc với 487 di tích, trong đó có 19 di tích cấp quốc gia, 92 di tích cấp tỉnh. 

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích không chỉ là công việc của cơ quan quản lý mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng dân cư, thể hiện tình yêu, niềm tự hào của thế hệ hôm nay với di sản mà các bậc tiền nhân đã để lại. Từ việc phát huy giá trị di tích và lễ hội gắn với di tích, các địa phương sẽ có giải pháp phù hợp để bảo vệ di tích một cách bền vững.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư đối với thiết chế văn hóa cổ, ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình có đặc điểm chung là được xây dựng chủ yếu bằng các loại vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, đá... Theo thời gian và năm tháng, dưới tác động của môi trường tự nhiên, các nguyên liệu xuống cấp hư hỏng. Di tích vẫn tồn tại là nhờ cộng đồng đã huy động công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo. Ở bất cứ thời kỳ nào, cộng đồng dân cư cũng đều đóng vai trò rất lớn trong bảo tồn di tích.  

Cũng theo chia sẻ của ông Đỗ Quốc Tuấn, đối với gần 2.000 di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh hiện nay, trong những năm tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát và lập hồ sơ khoa học xếp hạng cho di tích đủ tiêu chí theo quy định của Luật Di sản văn hóa, tạo cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Cơ quan quản lý cũng sẽ lập quy hoạch tổng thể hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở cho các kế hoạch, dự án bảo quản, tu bổ phục hồi từng di tích, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững các di sản văn hóa của tỉnh và góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: Công tác tu bổ di tích ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật về di sản, tự ý tu bổ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và cho phép. Mỗi viên ngói, viên gạch, mỗi cái kèo, cái cột, những mảnh chạm khắc, linh thú, linh vật, tài liệu di sản Hán Nôm trên đại tự câu đối... đều là những ký hiệu của các biểu tượng văn hóa, là chứng nhân lịch sử, là sự gửi gắm mong muốn của các bậc tiền nhân về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vì vậy, khi ứng xử với di sản văn hóa cần hết sức thận trọng, nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”. Với sự vào cuộc sát sao của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, 2.969 thiết chế văn hóa cổ khi được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị đúng cách sẽ trở thành những điểm đến hấp dẫn thúc đẩy du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng ngày thêm phát triển.

Đình Quán, xã Quang Bình (Kiến Xương) được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 2023.

Tú Anh