Thứ 4, 15/01/2025, 21:03[GMT+7]

Nhiệm vụ nặng nề trong nhiệm kỳ mới

Chủ nhật, 21/04/2024 | 12:51:38
1,393 lượt xem
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 3, tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước đến giữa năm 2030, trong bối cảnh Ai Cập đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế do thiếu hụt ngoại tệ và lạm phát leo thang, cũng như không ít thách thức trong khu vực đầy biến động.

Ảnh: Reuters

Khó khăn kinh tế cùng với những thách thức an ninh bắt nguồn từ các diễn biến địa chính trị khu vực đang đặt lên vai nhà lãnh đạo Ai Cập nhiều nhiệm vụ nặng nề trong nhiệm kỳ mới để chèo lái đưa đất nước Kim tự tháp tiếp tục ổn định và phát triển.

Trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra từ ngày 10-12/12/2023, đương kim Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 với 89,6% số phiếu ủng hộ. Uy tín cũng như những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế-xã hội trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2014 đã mang lại cho ông El-Sisi chiến thắng áp đảo trước các đối thủ. Tổng thống El-Sisi đã đưa đất nước Ai Cập ổn định trở lại sau làn sóng biểu tình dẫn tới bạo loạn và bất ổn của Mùa Xuân Arab. Tình hình an ninh-chính trị nội bộ của Ai Cập đã được giữ vững, trong khi đời sống xã hội ngày càng được cải thiện. Ai Cập ngày càng khẳng định được ảnh hưởng, vị thế và vai trò then chốt tại châu Phi-Trung Đông.

Mặc dù vậy, Tổng thống El-Sisi vẫn sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức trong 6 năm tới. Nền kinh tế đất nước chưa thể thoát khỏi trì trệ do thiếu hụt ngoại tệ, lạm phát leo thang. Cuộc xung đột tại Dải Gaza hiện nay cũng như bất ổn ở Biển Đỏ đã tác động tiêu cực đếnkinh tế Ai Cập. Căng thẳng ở Biển Đỏ khiến doanh thu từ đầu năm tới nay từ Kênh đào Suez của Ai Cập giảm hơn 50% và ngành du lịch có dấu hiệu chững lại, khi du lịch và vận tải biển là hai trong số những nguồn hối đoái lớn của Ai Cập. Quốc gia Bắc Phi này đang cạn kiệt ngoại tệ do nguồn thu du lịch giảm sút và những bất ổn trên tuyến vận tải dọc Kênh đào Suez. 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2013-2022, nợ nước ngoài của Ai Cập đã tăng từ 46 tỷ USD lên hơn 165 tỷ USD, trở thành nước có nguy cơ vỡ nợ lớn thứ hai sau Ukraine. Trong tháng 2 vừa qua, lạm phát giá tiêu dùng hằng năm ở thành thị của Ai Cập đã tăng lên 35,7%, vượt xa dự báo.

Ai Cập đang nỗ lực tăng nguồn thu USD, bằng cách hỗ trợ công nghiệp và xuất khẩu. Chính phủ Ai Cập được đánh giá đã thực hiện các biện pháp “khó khăn nhưng có triển vọng” nhằm cân đối vĩ mô, thống nhất tỷ giá hối đoái, thắt chặt đáng kể chính sách tiền tệ, tài khóa và được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo giải ngân ngay lập tức 820 triệu USD, một phần trong gói hỗ trợ 3 tỷ USD mà IMF dành cho nền kinh tế quốc gia Bắc Phi đang gặp khó khăn từ cuối năm 2022. 

Để đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, Tổng thống El-Sisi sẽ phải thực hiện một số cải cách cơ cấu cũng như triển khai các chính sách và giải pháp kịp thời để tiếp sức cho nền kinh tế. Trong chiến lược của mình, bên cạnh việc hoàn thành Tầm nhìn phát triển năm 2030 và đưa về đích Sáng kiến “Cuộc sống Sung túc” nhằm thúc đẩy khu vực nông thôn, ông El-Sisi chú trọng phát triển ngành công nghiệp, sản xuất trong nước, xuất khẩu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực tư nhân, phát triển các ngành năng lượng, tăng gấp đôi diện tích đất nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm. 

Trước những vấn đề đối nội và đối ngoại cần giải quyết, Tổng thống El-Sisi tiếp tục thực thi các chính sách đã đem lại nhiều thành công trong hai nhiệm kỳ trước để đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, xứng đáng với niềm tin mà cử tri Ai Cập đã dành cho ông. Ông gánh vác sứ mệnh quan trọng của “người cầm lái con tàu Ai Cập” tiếp tục tiến lên phía trước, phát triển và khẳng định vị thế vững chắc ở khu vực.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày