Chủ nhật, 24/11/2024, 20:17[GMT+7]

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Quyết tâm gỡ khó Kỳ 3: Giải pháp nào để tháo gỡ?

Thứ 3, 23/04/2024 | 22:14:54
2,097 lượt xem
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế, từ trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, vướng đến đâu gỡ đến đó. Tuy nhiên đến nay, việc thiếu thuốc vẫn diễn ra cục bộ ở một số cơ sở y tế, ở một số thời điểm. Cần những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này là mong mỏi của các cơ sở y tế và của những người phải đến bệnh viện. ​

Người bệnh khám, điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình.

Vướng đâu gỡ đó 

Cho đến thời điểm này, nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc đã được triển khai. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Toàn ngành đã phân tích thấu đáo các tồn tại, hạn chế, khó ở đâu tập trung giải quyết ở đó. Đối với danh mục thuốc từ gói đấu thầu quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu cấp địa phương, Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổng hợp, đề xuất sớm với cấp trung ương, đồng thời chỉ đạo triển khai tổ chức đấu thầu sớm tại tỉnh. Đối với gói thầu cấp đơn vị, yêu cầu các đơn vị căn cứ vào mô hình bệnh tật, rà soát, lập kế hoạch, đẩy sớm thời gian đấu thầu thuốc, vật tư y tế để chủ động trong việc sử dụng thuốc, vật tư tại đơn vị. Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra thiếu thuốc, chủ động sử dụng thuốc thay thế, khi vượt quá khả năng đơn vị giải quyết, báo cáo kịp thời để thực hiện điều tiết giữa các đơn vị. 

Bà Nguyễn Thị Minh Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Căn cứ trên lưu lượng người bệnh, phác đồ điều trị, mô hình bệnh tật, ngay khi có chỉ đạo của Sở Y tế về công tác đấu thầu mua sắm thuốc tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương, Bệnh viện đã chủ động triển khai. Ngay từ quý II năm trước, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, lập danh mục thuốc cần mua sắm, bảo đảm trong quý III sẽ tổ chức đấu thầu thuốc cho năm tiếp theo. Sau khi đấu thầu lần 1 không đủ danh mục cần mua sắm, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lại, bổ sung danh mục thiếu. Trong quá trình hoạt động chuyên môn, chủ động sử dụng thuốc thay thế, phù hợp với phác đồ điều trị; có kế hoạch ưu tiên sử dụng các thuốc mà nguồn cung khan hiếm, cung ứng chậm cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu... 

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, khắc phục tình trạng không trúng thầu dược liệu, một số gói thầu có danh mục trúng thầu thấp dẫn đến khó khăn về cung ứng thuốc, Bệnh viện đã linh hoạt đưa ra giải pháp về bài thuốc y học cổ truyền. 

Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình chia sẻ: Khi có đủ thuốc sẽ tăng giảm về liều lượng song khi thiếu thuốc, Bệnh viện thực hiện bài thuốc theo đối pháp lập phương, có triệu chứng nào ra bài thuốc như vậy. Do đó, đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện thiếu vị thuốc nhưng bài thuốc vẫn bảo đảm được. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tăng các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ để nâng hiệu quả điều trị. 

Đối với Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình, thời điểm thiếu thuốc Bệnh viện đã vận dụng nhiều nguồn lực, trong đó có việc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Còn tại hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, giải pháp đưa ra cũng là sử dụng các nhóm thuốc thay thế hoặc sử dụng thuốc đã trúng thầu ở địa phương khác do trung ương, tỉnh điều tiết về, trích quỹ của đơn vị để mua sắm thuốc... Tuy nhiên, theo lãnh đạo các bệnh viện, những khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc tại các đơn vị y tế vẫn còn tồn tại, các giải pháp đã thực hiện khó giải quyết được căn nguyên vấn đề, cần những giải pháp mang tính đồng bộ trên toàn quốc, toàn tỉnh thì mới khắc phục được tình trạng thiếu thuốc tiếp tục xảy ra. 

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải sắp xếp lại tủ thuốc. 

Cần tiếp tục tháo nút thắt 

Theo phân tích của lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện, Luật Đấu thầu ban hành vào tháng 6/2023; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu có nhiều quy định gỡ khó trong công tác đấu thầu thuốc song trong nhiều nội dung còn đang bỏ ngỏ như hiện nay thì Bộ Y tế cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định và các quy định, biểu mẫu cụ thể hơn về công tác này giúp các cơ sở y tế có thêm căn cứ, cơ sở trong tổ chức đấu thầu mua sắm, cung ứng thuốc, vật tư y tế. Đơn cử, danh mục thuốc sử dụng tại các bệnh viện hiện nay được phân theo 3 cấp đấu thầu: trung ương, địa phương và đơn vị. Khi xây dựng thông tư và các văn bản, biểu mẫu hướng dẫn, cần có quy định cụ thể về nhóm thuốc, danh mục thuốc do từng cấp đảm nhiệm đấu thầu. Khi cấp nào được phân công đấu thầu đối với nhóm thuốc, danh mục thuốc đó thì sẽ chịu trách nhiệm đấu thầu đủ số lượng hoặc bảo đảm danh mục thuốc thay thế mà tuyến dưới đề xuất, không để tình trạng tuyến trên đấu thầu không đủ, trả về tuyến dưới gây nên sự bị động trong sử dụng thuốc tại tuyến dưới như thời gian qua. 

Trở lại với băn khoăn, thắc mắc của người dân: Tại sao số tiền BHYT vẫn đóng đủ hàng tháng, hàng năm song khi đến bệnh viện lại phải mua thuốc có trong danh mục được BHYT thanh toán? Về nội dung này, cán bộ quản lý các cấp ngành y tế đều đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phối hợp để sửa đổi, bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT. Cụ thể, trong trường hợp người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế có trong danh mục thuốc BHYT nhưng cơ sở y tế không có thuốc, vật tư y tế do không đấu thầu được mà người bệnh phải mua thuốc để sử dụng sẽ được quỹ BHYT chi trả trực tiếp cho người bệnh để người bệnh bù vào số tiền phải ra ngoài mua thuốc. Đối với gói đấu thầu tập trung cấp tỉnh, đơn vị, cũng giống như đối với gói đấu thầu tập trung quốc gia, cần có sự quy định cụ thể về nhóm thuốc, danh mục thuốc, giá trị gói thầu, thẩm quyền quyết định việc đấu thầu mua sắm ở từng cấp để làm căn cứ cho các cơ sở y tế trong tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. 

Gần đây nhất, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức họp nghe Sở Y tế báo cáo thực trạng công tác đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, Sở Y tế đã báo cáo đề xuất hai phương án cơ bản: tổ chức đấu thầu tập trung cấp tỉnh để mua sắm tất cả các danh mục thuốc cho các bệnh viện công lập trong toàn tỉnh; hoặc phân cấp như đang thực hiện là có nhóm, danh mục thuốc thuộc đấu thầu tập trung cấp tỉnh, có nhóm, danh mục thuốc đấu thầu cấp cơ sở. Theo phân tích thì cả hai phương án trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nếu đấu thầu tập trung toàn tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho các đơn vị tuyến dưới, giá thuốc thống nhất tại các bệnh viện thuận lợi trong thanh toán BHYT. Song, trong trường hợp nhà thầu cung ứng không đủ thuốc thì tình trạng thiếu thuốc sẽ diễn ra trên diện rộng toàn tỉnh. Nếu đấu thầu chia hai cấp thì tất cả các đơn vị phải dành thời gian thực hiện công tác này, thiếu thống nhất về giá song các bệnh viện được chủ động hơn trong đấu thầu, mua sắm... 

Như vậy, sẽ không có phương án nào là tối ưu song cũng không có phương án nào là không thể thực hiện. Điều quan trọng nhất là cần quyết tâm, lựa chọn và triển khai sớm phương án phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Khi việc đấu thầu tổ chức thành công, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế đạt kết quả cao, tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện sẽ được giải quyết. Trước thông tin về tình trạng thiếu thuốc vẫn còn xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy cũng vừa có công văn chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh khẩn trương làm rõ vấn đề nêu trên, đồng thời có giải pháp thiết thực, kịp thời trong việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh, nhất là người dân tham gia BHYT. Hy vọng với sự chỉ đạo, quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quyết tâm của ngành y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ sớm được giải quyết, không còn làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và quyền lợi của bệnh nhân BHYT như thời gian qua. 

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra tại một số quầy thuốc trên địa bàn thành phố Thái Bình. 

Trần Hương - Hoàng Lanh