Chủ nhật, 24/11/2024, 10:00[GMT+7]

Phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Thứ 7, 27/04/2024 | 14:53:13
16,292 lượt xem
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thái Bình luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, từ đó xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao.

Các sở, ngành đã tích cực tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ thể tham gia gian hàng tại hội chợ.

Động lực phát triển kinh tế nông thôn 

Hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm 4 sao, 135 sản phẩm 3 sao. Chương trình đã thu hút 128 cơ sở, trong đó có 37 doanh nghiệp, 48 HTX và 43 hộ kinh doanh tham gia, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu: nuôi trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm. Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu (như VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học...), khả năng hội nhập toàn cầu có tiềm năng rất lớn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20 - 30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%. Các chủ thể tham gia chương trình đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại khu vực nông thôn.

OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Sau khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được thị trường ưa chuộng như: bánh cáy, gạo, khăn bông, nước mắm, thủy hải sản, trà thảo dược... Một số sản phẩm đã được chế biến sâu bằng ứng dụng công nghệ cao tạo giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đã khẳng định vai trò quan trọng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương và được xem như kết quả cuối cùng của tiêu chí tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xã NTM. 

Xã Nam Hải (Tiền Hải) có trên 100 hộ làm nước mắm nhưng chỉ duy nhất gia đình anh Nguyễn Văn Đoán, thôn Nội Lang Nam triển khai làm nước mắm quy mô lớn, xây dựng thương hiệu nước mắm Đoán Tuyết, đã đăng ký nhãn hiệu, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Chỉ riêng cơ sở Đoán Tuyết cung cấp ra thị trường trên 50.000 lít nước mắm/năm. Để nâng cao giá trị sản phẩm, anh Đoán đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị “nâng sao” cho sản phẩm nước mắm Đoán Tuyết. 

Anh Đoán cho biết: Trước đây, tôi cũng như người dân trong xã sản xuất nước mắm theo kiểu thủ công gia truyền nhỏ lẻ và tự phát, tạo thương hiệu riêng cho mình bằng uy tín, chất lượng của sản phẩm và bán theo đơn đặt hàng trong tỉnh, còn lại chủ yếu là bán lẻ tại các địa phương trong huyện. Từ khi sản phẩm nước mắm được gắn sao OCOP, tôi rất tự hào khi xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của địa phương để đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết tới. Sản lượng tiêu thụ tăng, chúng tôi cũng yên tâm gắn bó với nghề và chú trọng tới đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất. 

Mỗi năm, cơ sở nước mắm Đoán Tuyết, xã Nam Hải (Tiền Hải) cung cấp ra thị trường 50.000 lít nước mắm. 

Hết năm 2023, huyện Thái Thụy đã phát triển được 40 sản phẩm OCOP, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thực hiện chương trình OCOP, Thái Thụy chú trọng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm phát triển theo chiều sâu gắn với chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. 

Để chương trình OCOP lan tỏa và hiệu quả hơn nữa 

Chương trình OCOP tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí nâng cao thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần triển khai thành công chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.  

Theo lãnh đạo Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh, đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh đều được phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để phát triển và đẩy mạnh hệ thống tiêu thụ. Do đó, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động đầu tư của các thành phần kinh tế, các sở, ngành đã tích cực tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP; tạo điều kiện, hỗ trợ chủ thể tham gia gian hàng tại hội chợ, gian hàng trên sàn thương mại posmart.vn và voso.vn… Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình, tổ chức hội nghị đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho gần 70 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhập trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cho 36 tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực và sản phẩm khoa học công nghệ để cập nhật thông tin trên cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh… 

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chương trình OCOP lan tỏa và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình OCOP, chủ trì triển khai các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn các hoạt động của ngành với phát triển các sản phẩm OCOP. Hướng dẫn chủ thể OCOP ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm OCOP thuộc ngành quản lý. 

Theo quy định của chương trình, thời hạn công nhận sản phẩm OCOP là 36 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền ký quyết định công nhận. Do đó, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP và có trách nhiệm đối với việc đề nghị đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP. Các chủ thể cần chủ động, tích cực cân đối nguồn lực, tiếp tục đăng ký đánh giá lại đối với các sản phẩm sắp đến hạn 36 tháng để duy trì và khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP chất lượng, có trách nhiệm, hiệu quả, bền vững. 

Hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao. 

Lưu Ngần