Thứ 6, 10/05/2024, 21:53[GMT+7]

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Thứ 7, 27/04/2024 | 14:59:06
6,545 lượt xem
Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp về thăm xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của một vùng quê cách mạng. Những tuyến đường to rộng dần hình thành, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát. Để có được Đồng Tiến hôm nay, nhân dân địa phương đã đoàn kết, bám đất bám làng, chiến đấu kiên cường bảo vệ quê hương.

Diện mạo mới trên quê hương cách mạng Đồng Tiến (Quỳnh Phụ).

Cả làng tham gia đánh giặc 

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Tiến, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến, nhân dân Đồng Tiến bị áp bức, bóc lột nặng nề đến cùng cực, đời sống nhân dân cực khổ. Trước sự áp bức của kẻ thù, cuối năm 1943 cán bộ Việt Minh về tuyên truyền, vận động và thành lập tổ Việt Minh của xã. Dưới ánh sáng cách mạng, quần chúng nhân dân đã nhanh chóng giác ngộ, từ đây phong trào Việt Minh được nhen nhóm và bùng lên ngọn lửa cách mạng.

Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, để lãnh đạo cách mạng, tháng 2/1947 Chi bộ đảng Đồng Tiến ra đời lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc. 

Ông Nguyễn Đức Tiêu, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến giai đoạn 1985 - 1994, năm nay 87 tuổi cho biết: Khi thực dân Pháp xâm lược, bọn chúng lập nhiều đồn, bốt bao quanh làng nhằm hạn chế sự liên lạc của nhân dân với tổ chức cách mạng. Song, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, nhân dân trong xã, mà nòng cốt là đội dân quân du kích đã xây dựng các thôn trang chiến, giữ vững và phát triển vùng tự do. Chỉ sau một tháng (từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/1950), Chi bộ đã lãnh đạo quân dân Đồng Tiến đào 160.000m² đất làm hào giao thông, đắp 140.000m² lũy và ụ chiến đấu; rào 3.500m dậu tre, làm 12 cổng ở các làng cùng hàng chục vạn mũi chông tre để xây dựng “pháo đài” chiến đấu vững chắc. Do đó, quân dân Đồng Tiến đã đánh thắng nhiều trận càn quét của thực dân Pháp và bọn tay sai. Điển hình là trận càn tháng 2/1951, quân địch kéo vào thôn Cổ Đẳng đã bị du kích xã Đồng Tiến phục kích nổ mìn tiêu diệt 27 tên. Từ những trận thắng đó, cán bộ, đảng viên, dân quân du kích và nhân dân Đồng Tiến đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết bám đất, bám làng, tổ chức đánh địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh như: Nguyễn Văn Riệm, Phạm Văn Ất… 

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Đồng Tiến vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với khẩu hiệu “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài diệt Mỹ”, ngay từ đầu năm 1965 các phong trào thi đua được phát động, tạo khí thế sôi nổi trong quần chúng nhân dân như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”... Trong 4 năm (1965 - 1968), toàn xã có 506 người đăng ký tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đóng góp 2.000 tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Nhờ đó, Đảng bộ và nhân dân xã Đồng Tiến đã góp phần cùng nhân dân các địa phương trong tỉnh và nhân dân miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ, làm tròn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. 

Góp sức xây dựng quê hương 

Dẫn chúng tôi đi tham quan cụm công nghiệp (CCN) Đập Neo, ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến phấn khởi cho biết: Trước đây, khu vực này chỉ là vùng đất sình lầy, việc phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, một số hộ dân đã ra đây khai hoang, lập nghiệp. Hiện tại, CCN Đập Neo có tổng diện tích quy hoạch trên 14ha, thu hút được 24 dự án, trong đó có 17 dự án chế biến nông sản, tạo việc làm ổn định cho 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 9 - 15 triệu đồng/người/tháng. 

Đến thăm Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hưng Hoàng Minh, thương binh Đỗ Văn Tải, Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây, Công ty hoạt động trong khu dân cư, quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong đầu tư máy móc, thu mua, bảo quản nguyên liệu và vận chuyển hàng hóa. Năm 2010, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương, chúng tôi quyết định đưa nhà máy vào CCN Đập Neo hoạt động. Với diện tích gần 10.000m² giúp chúng tôi mạnh dạn đầu tư máy móc để thu mua nông sản của người dân trong và ngoài tỉnh. CCN có vị trí thuận lợi và hạ tầng giao thông kết nối tốt giúp doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển nguyên liệu về nhà máy chế biến và đưa sản phẩm đi tiêu thụ, nhờ đó mà doanh nghiệp duy trì việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. 

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Đập Neo, xã Đồng Tiến tạo việc làm ổn định cho 200 lao động. 

Cùng với tập trung phát triển công nghiệp, thời gian qua, Đồng Tiến luôn quan tâm đến hệ thống giao thông. Hiện nay, hạ tầng giao thông của địa phương được đầu tư đồng bộ, các tuyến từ đường tỉnh, huyện, đường liên xã hay các trục thôn đều được mở rộng. Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được người dân tích cực tham gia, điển hình là phong trào tự nguyện hiến đất làm đường để mở rộng đường giao thông với hàng trăm hộ đồng thuận hiến hàng nghìn mét vuông đất ở và đất nông nghiệp. 

Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 662,583 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 10,27% so với năm 2022. Năng suất lúa bình quân đạt 121 tạ/ha/năm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản toàn xã đạt 402,918 tỷ đồng. Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao rõ nét, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,85%. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ và đều đạt chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được địa phương quan tâm, đổi mới về nội dung, phương thức theo hướng hiệu quả, thiết thực, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Những năm qua, Đảng bộ, các đoàn thể của xã luôn được công nhận trong sạch, vững mạnh, chính quyền đạt vững mạnh. 

Tự hào với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Tiến tiếp tục chung sức chung lòng, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Nguyễn Cường