Sự đồng thuận quan trọng của EU
Tinh thần đoàn kết và trách nhiệm
Với tiêu chí trọng tâm của gói di cư vừa được EP thông qua là “đoàn kết và trách nhiệm”, những điều luật trên bao gồm quy định mới nhằm giải quyết các tình huống khủng hoảng và bất khả kháng để thiết lập một cơ chế ứng phó sự gia tăng đột ngột lượng người di cư, bảo đảm đoàn kết và hỗ trợ cho các quốc gia thành viên.
Để giúp các nước châu Âu đang gặp áp lực di cư, các quốc gia thành viên khác của EU sẽ phải tham gia vào việc tái định cư những người xin tị nạn hoặc những người được hưởng sự bảo vệ quốc tế trên lãnh thổ của họ, hoặc lựa chọn hình thức khác là đóng góp tài chính hoặc cung cấp hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật.
Những điều luật mới cũng đưa ra quy định rõ ràng về sàng lọc trước khi nhập cảnh, bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là bảy ngày, áp dụng các cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm tôn trọng các quyền cơ bản, rút ngắn thời gian xử lý đơn xin tị nạn tại biên giới EU, lưu trữ dữ liệu về những người nhập cảnh EU một cách bất thường trong bộ cơ sở dữ liệu Eurodac.
EP cũng ủng hộ việc đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất mới cho tất cả quốc gia thành viên liên quan việc công nhận tình trạng người tị nạn hoặc tình trạng cần được bảo vệ bổ sung; đồng thời làm mới các tiêu chuẩn liên quan vấn đề nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người xin tị nạn.
Hiệp ước được EP thông qua là cuộc cải tổ lớn nhất các quy định về nhập cư và tị nạn của EU trong hơn một thập kỷ qua, trong bối cảnh châu Âu phải đối phó làn sóng nhập cư lớn chưa từng có trong những năm qua. |
Hiệp ước được EP thông qua là cuộc cải tổ lớn nhất các quy định về nhập cư và tị nạn của EU trong hơn một thập kỷ qua, trong bối cảnh châu Âu phải đối phó làn sóng nhập cư lớn chưa từng có trong những năm qua. Hệ thống quản lý người di cư và tị nạn của EU gần như sụp đổ vào năm 2015 khi hơn 1 triệu người - phần lớn trốn chạy khỏi xung đột tại Syria - tràn sang các bờ biển khu vực Nam Âu. Dòng người di cư quá lớn gây quá tải đối với hoạt động tiếp nhận cũng như khả năng bảo đảm an ninh và dẫn tới một làn sóng phản đối nhập cư trên toàn khối. Kể từ đó, EU siết chặt các khu vực biên giới ngoài khối, thắt chặt quy định về tị nạn nhằm hạn chế tình trạng này.
Sau khi bị lu mờ bởi các “cú sốc” như đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Ukraine, vấn đề di cư lại “nóng” trở lại trong các chương trình nghị sự của các nước EU khi Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho biết, 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư trong thập kỷ vừa qua khi có tới 8.541 người thiệt mạng. Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp thiệt mạng hoặc mất tích được ghi nhận trên Địa Trung Hải, tuyến di cư từ Bắc Phi tới châu Âu. Từ đầu năm 2024 đến nay, số người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu lên tới 46.000 người.
Vượt qua những khác biệt
Sau quá trình đàm phán kéo dài do những chia rẽ và khác biệt trong cách xử lý cuộc khủng hoảng người di cư giữa các nước thành viên, các điều luật mới được thông qua có thể sẽ làm hài hòa hơn cách tiếp cận vấn đề của các thành viên EU.
27 nước thành viên EU vốn đã chia rẽ từ lâu vì hạn ngạch phân bổ người di cư mà các nước buộc phải tiếp nhận. Một số quốc gia, trong đó có Ba Lan và Hungary, từ chối tiếp nhận bất kỳ dòng người di cư mới nào. Ba Lan, Hungary và các đồng minh cho biết họ có thể giúp giải quyết vấn đề người di cư bằng cách đóng góp tài chính, bố trí nhân lực hoặc trang thiết bị thay vì phải tiếp nhận người di cư theo quy định của EP. Các nước khác, trong đó có Italia và Pháp, nhấn mạnh họ không thể đơn phương giải quyết vấn đề này.
Các quốc gia Địa Trung Hải có người di cư đặt chân tới và các nước giàu có như Đức cũng tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người di cư. Đức gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thêm người di cư và kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn ở biên giới vành ngoài EU, phân bổ công bằng gánh nặng người di cư trong EU. Với các điều luật mới được thông qua, EU giờ đây sẽ phân bổ gánh nặng người nhập cư cho 27 quốc gia thành viên, buộc các quốc gia thành viên khác phải có nghĩa vụ giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng di cư. Hiệp ước đưa ra những quy tắc thuận lợi cho nhập cư hợp pháp, dùng nhập cư hợp pháp để chống lại nạn buôn người.
Các quy định mới về di cư và tị nạn dự kiến bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và 27 nước thành viên EU sẽ có hai năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi việc EU có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này sẽ giúp bảo đảm biên giới châu Âu và các quyền cơ bản của người di cư. Bà Leyen đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải là người quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, chứ không phải những kẻ buôn người”.
Tuy nhiên, hiệp ước di cư mới vẫn còn đối mặt những khó khăn khi các nguyên tắc đoàn kết mới cũng như nhiều điều khoản khó có thể giành được sự ủng hộ hoàn toàn của các nước thành viên. Trong khi đó, việc thông qua các quy định chỉ có thể giúp giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Để giải quyết tận gốc vấn nạn di cư, EU đang nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia xuất xứ và quá cảnh của người di cư, nhằm giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Với việc các đảng chính trị phản đối nhập cư ngày càng có tầm ảnh hưởng trên khắp châu Âu trong nhiều năm qua, chính phủ các quốc gia tại châu lục này đã nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư vào đất nước mình bằng cách cam kết tài trợ cho các quốc gia dọc Địa Trung Hải như Tunisia và Ai Cập, trong đó cấp những khoản tiền lớn để giúp các nước này kiểm soát dòng người di cư.
Việc tìm ra một giải pháp toàn diện và “chặn từ đầu nguồn” cho vấn đề người di cư tiếp tục là thực trạng nan giải đối với các nước châu Âu. Các nước thành viên EU cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết và có thêm thời gian để đưa ra những chính sách phù hợp mục tiêu chung trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư. Hơn thế, vẫn còn những băn khoăn về việc liệu kế hoạch tập thể mới có thể thay thế cho các phản ứng riêng của các quốc gia thành viên vốn kéo dài hàng thập kỷ qua hay không, điều này còn phụ thuộc tình hình thực tế và nỗ lực của mỗi quốc gia trong việc giải quyết mối lo chung của khu vực về vấn nạn di cư.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025