Thứ 6, 22/11/2024, 05:07[GMT+7]

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Thứ 3, 21/05/2024 | 08:34:56
1,158 lượt xem
Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Ảnh: Reuters

Kết quả khảo sát của Hãng tin Reuters đối với 500 chuyên gia công bố hôm 25/4 cho thấy, các nhà phân tích dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu có thể đạt 2,9% trong năm nay, mạnh hơn so với mức tăng 2,6% theo khảo sát vào tháng 1/2024, và đạt 3% trong năm tới.

Các chuyên gia được khảo sát nhận định, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay sẽ mạnh hơn dự kiến nhờ duy trì được động lực từ nay đến hết năm 2024 và bước sang năm 2025. Điều này trái ngược với những nhận định trước đây về sự trì trệ của kinh tế thế giới.

Trong số các nền kinh tế “đầu tàu”, Mỹ và Ấn Độ được cho là sẽ đóng góp lớn nhất vào sự tăng tốc của kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, bức tranh kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hay nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, dù không nhiều điểm sáng, nhưng cũng không xấu đi.

Trước khi Hãng tin Reuters công bố thông tin nêu trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong dự báo mới nhất giữa tháng 4 cũng dự đoán GDP toàn cầu sẽ tăng 3,2% vào năm 2024, tăng nhẹ so với ước tính trước đó vào tháng 1/2024 (+ 0,1 điểm phần trăm) và tháng 10/2023 (+ 0,3 điểm phần trăm). Nhật báo Le Monde của Pháp dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng, đó là một sự tăng trưởng “khiêm tốn nhưng vững chắc”.

Trong khi các chuyên gia của IMF nhận định rằng, ngay cả khi năm 2024, kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng giống như năm 2023, thì đó cũng là khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên, bởi các nền kinh tế đã phải đón nhận “vô số cú sốc làm rung chuyển hành tinh”, chẳng hạn như các cuộc xung đột Nga-Ukraine, Trung Đông và lãi suất tăng đã “đè nặng” lên hoạt động kinh tế thế giới.

IMF hiện dự đoán các nền kinh tế lớn sẽ giảm lãi suất cơ bản từ nửa cuối năm 2024 và trong quý IV đối với Mỹ. Về dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đầu tàu khu vực và thế giới, IMF dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ tăng lên 2,4% vào năm 2024 và giảm xuống 1,9% vào năm 2025, do cắt giảm chi tiêu ngân sách. Trong khi đó, các nền kinh tế Eurozone lại dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức 0,4% vào năm 2023 lên 0,8% vào năm 2024, sau đó lên 1,5% vào năm 2025, nếu giá năng lượng giảm, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục trở lại nhờ kinh tế ổn định, lạm phát suy giảm.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng, tương lai phía trước của kinh tế toàn cầu vẫn chưa phải màu hồng. Theo các chuyên gia của IMF, các nước nghèo nhất chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch và chi phí sinh hoạt gia tăng. Các nước có thu nhập thấp đang gặp phải tình trạng ngược lại với các nước giàu, với dự báo tăng trưởng được điều chỉnh giảm và lạm phát trung bình cao hơn dự kiến.

Tại một số nền kinh tế đang phát triển, điển hình là Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu. Khi nhu cầu nội địa ảm đạm, thì thặng dư sản xuất bán ra nước ngoài phải được đẩy lên, và điều này có nguy cơ sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại quốc tế trong bối cảnh địa chính trị vốn đã “căng như dây đàn”. Đây cũng là lý do IMF dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 5,3% năm 2023 xuống còn 4,6% vào năm 2024.

Ngoài ra, tình hình địa chính trị thế giới phức tạp như hiện nay dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng đẩy giá dầu tăng cũng có thể làm chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát đang quay lại. Tại Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF vừa diễn ra ở Mỹ, các chuyên gia đã cảnh báo thâm hụt tài khóa của Mỹ (có thể lên đến mức kỷ lục 7,1% trong năm tới, gấp 3 lần so với mức trung bình 2% của những nền kinh tế phát triển khác) sẽ làm tăng lạm phát và có thể cản bước tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày