Thứ 6, 29/03/2024, 16:35[GMT+7]

Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Thứ 6, 29/01/2021 | 19:39:52
3,134 lượt xem
Ngày 6/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND ban hành kèm theo Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, tại nhiều địa phương, các đám cưới được tổ chức văn minh, tiết kiệm; việc tang không còn hủ tục.

Đa phần các lễ cưới hiện nay được tổ chức văn minh, tiết kiệm.

Văn minh trong việc cưới

Cuối năm là thời điểm nhiều gia đình lựa chọn để tổ chức đám cưới, đặc biệt trong năm vừa qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đám cưới đã phải hoãn ngày tổ chức. 

Anh Vũ Xuân Mạnh, Trưởng đài Truyền thanh thị trấn Kiến Xương chia sẻ: để nâng cao ý thức chấp hành của bà con nhân dân địa phương, thời gian này, Đài truyền thanh của thị trấn thường xuyên tuyên truyền các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Trong đó, đặc biệt lưu ý các hộ gia đình về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để dựng rạp cưới, tránh gây mất an toàn giao thông. Đồng thời, âm nhạc sử dụng trong lễ cưới phải lành mạnh, vui tươi với âm lượng đủ nghe, tránh gây tiếng ồn lớn, không mở nhạc trước 6h sáng và sau 22h đêm. Việc tuyên truyền đều đặn, thường xuyên nên nhìn chung, bà con nhân dân đã nghiêm túc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, không xuất hiện những vụ việc đáng tiếc như ẩu đả, sử dụng pháo nổ, hay như việc tại một số nơi có tục lệ mời khách thuốc lá khi tổ chức lễ cưới thì nay cũng đã không còn.

Tại xã Phú Lương (Đông Hưng), ông Phan Thế Nông, công chức văn hóa xã chia sẻ: đa số các lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ theo nếp sống mới, các cặp vợ chồng đều thực hiện tốt việc đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, đảm bảo tính trang trọng, lịch sự. Bên cạnh đó, tại nhiều gia đình đã hình thành nếp sống mới thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” như trước ngày cưới, cô dâu chú rể đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ hoặc trồng cây lưu niệm tại các khu trung tâm của xã... Địa phương cũng khuyến khích Đoàn Thanh niên xã đứng ra hỗ trợ cô dâu chú rể đón tiếp khách mời và tổ chức các chương trình văn nghệ trong đám cưới, từ đó thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết giữa bà con trong xóm ngoài làng và góp phần để các đám cưới được tổ chức văn minh, tiết kiệm nhưng vẫn trang trọng, lịch sự.

Nhờ sự tích cực vào cuộc của các ban, ngành, địa phương, hiện nay các đám cưới đều được tổ chức phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và văn hóa của từng gia đình, nơi cư trú. Nam nữ đều tự nguyện kết hôn, cùng nhau thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình, đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục hành chính. Hình thức tổ chức lễ cưới trang trọng, các nghi thức diễn ra ngắn gọn, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Không còn tình trạng ăn uống linh đình, nhiều nơi đã tổ chức tiệc trà theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm.

Việc tang được tổ chức gọn nhẹ

Cùng với sự thay đổi trong việc cưới, nếp sống văn minh trong việc tang là điều có thể nhận ra ở nhiều địa phương. 

Bà Bùi Thị Nhẫn, Trường phòng Văn hóa, Thông tin huyện Quỳnh Phụ cho biết: Việc tang đã tổ chức theo nếp sống mới vừa đảm bảo tính trang nghiêm, tôn kính, tận tình, chu đáo, vừa thực hành tiết kiệm và giảm bớt thủ tục rườm rà. Trung bình mỗi năm, toàn huyện Quỳnh Phụ có trên 1.000 đám tang, trong đó, 100% các gia đình khi có người qua đời đều thực hiện việc báo tử theo quy định. Trong đám tang, nhiều hủ tục như đón đường mời cỗ, rải giấy tiền trên đường đưa tang và khóc kèn trên loa đã giảm. Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ gia đình sử dụng hình thức hỏa táng khi có người qua đời tăng nhanh, hiện nay đã đạt khoảng 41%, góp phần giảm sức ép về quỹ đất cho các địa phương và giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước. Trong đó, điển hình như xã An Khê đã xây dựng được cơ chế hỗ trợ về kinh phí đối với các trường hợp hỏa táng. Bên cạnh đó, việc xây cất mộ đã dần đi vào nền nếp, công tác vệ sinh môi trường tại nghĩa trang có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, việc quy hoạch nghĩa trang của các xã, thị trấn được chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện theo mô hình xây dựng nông thôn mới, điển hình ở một số địa phương như xã Quỳnh Minh, An Ấp, An Cầu, Quỳnh Nguyên, Quỳnh Côi…

Nhiều cô dâu, chú rể lựa chọn trang phục truyền thống trong lễ ăn hỏi.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua việc tang được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, việc tổ chức ăn uống trong đám tang cũng như các tuần tiết sau đám tang được tổ chức gọn nhẹ, xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu, mê tín trong việc tang. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn tỉnh bình quân mỗi năm có gần 10.000 đám tang, trong đó có trên 90% số đám tang thực hiện tốt quy định thực hiện nếp sống văn hóa. Việc quy hoạch và quản lý nghĩa trang trên địa bàn tỉnh cũng đã đi vào nền nếp với 100% nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã xây dựng được mô hình đám tang thực hiện nếp sống văn minh như mô hình UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức lễ tang cho nhân dân tại xã Thanh Tân (Kiến Xương), mô hình tổ chức lễ tang do UBND xã đứng ra điều hành ở xã Bắc Sơn (Hưng Hà).

Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có sức lan tỏa mạnh hơn, ngành văn hóa cùng các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó là việc tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, làng văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, góp phần thực hiện nếp sống mới trong mỗi người dân.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày