Thứ 7, 23/11/2024, 04:58[GMT+7]

Tình người quê tôi

Thứ 2, 09/07/2018 | 08:32:13
694 lượt xem
Quê tôi, một miền quê văn hiến và giàu truyền thống hiếu học. Từ rất xa xưa, các bậc tiền nhân đã dựng một ngôi đình, rước bài vị của hương sư Đỗ Phụng Trân về thờ, tôn làm thành hoàng làng, nghìn năm hương khói. Ngôi đình tọa lạc ngay ở đầu thôn, bề thế, khang trang và linh thiêng lắm.

Đình Cây Trôi sau ngày đặt nóc, chuẩn bị lợp mái.

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình làng tôi là nơi tụ quân của bộ đội chủ lực, bộ đội huyện và dân quân du kích địa phương trước giờ đi công bốt, phá đồn. Sân đình là nơi luyện tập của các lực lượng vũ trang. Gian bái đường là kho 10 tấn thóc “Nghĩa Sương” nuôi quân đánh giặc. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đình Cây Trôi xóm Trong (nay là thôn Nam Long, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư) là địa điểm mít tinh toàn dân, đây cũng là nơi cử tri trong thôn đến bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa đầu tiên. Đình còn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến của xã Tự Tân. Đúng vào ngày mùng 1 tết Nguyên đán Canh Dần năm 1950, giặc Pháp từ bốt Tân Đệ, bốt Cầu Nhì càn vào làng, chúng vấp mìn của du kích, tên quan hai Pháp chết. Giặc xông vào làng, bắt 14 người đem ra bờ ao bắn chết, chúng đốt hơn 200 nóc nhà dân và đốt luôn ngôi đình. Từ đó đình Cây Trôi có thêm tên là đình Cháy.

Sau khi đất nước hòa bình, phần vì bận mải nhiều công việc hàn gắn vết thương chiến tranh phần vì không có tiền nên việc dựng lại ngôi đình chưa thực hiện được. Đầu năm 2001, với ý nguyện của nhân dân và với cố gắng cao nhất, dân làng mới chỉ xây lại hai cung thờ phía trong, ngay trên nền ngôi đình cổ, phần đất của gian bái đường được xây thành hội trường thôn Nam Long, sau đó thành nhà văn hóa của thôn.

Mỗi khi tết đến xuân về hoặc mỗi lần người dân Nam Long đi công tác xa quê, về thăm cố hương đều thấy áy náy, bứt rứt tâm can, muốn dựng lại tòa bái đường… Ý định ấy rất thuận với cán bộ, nhân dân trong làng. Những lá thư kêu gọi lòng hảo tâm như cánh chim bay đến khắp mọi miền, đánh thức niềm khát khao của những người xa quê. Tiền từ tấm lòng những người xa quê gửi về, người thì 5 triệu đồng, người thì 10 - 20 triệu đồng… Gần 200 hộ dân tại chỗ cũng bảo nhau nộp tiền, rất nhiều người ngoài số tiền góp theo quy định chung còn ủng hộ thêm. Dòng họ của Đại tá Phạm Văn Chuyển lên tiếng đầu tiên. Ông Phạm Ngọc Lân ở Hải Phòng nhiều lần gửi tiền về để dân làng dựng lại đình. Sổ công đức của thôn Nam Long cứ dài thêm theo năm tháng. Thế mới biết, khi đã có người đứng ra gióng dựng thì dân ở quê hay dân xa quê đều rất sẵn lòng. Người nọ bảo người kia và hình như có một cuộc thi đua ngầm. Rất nhiều người ủng hộ hai ba đợt nhưng yêu cầu không công bố tên. Nhiều doanh nghiệp lớn sẵn lòng mến mộ đất và người Nam Long đã ủng hộ vô tư, chỉ mong ngày khánh thành. Tình người quê tôi đẹp và cao quý lắm. Nét đẹp văn hóa của quê tôi cũng thể hiện ở tình người, tình quê đằm thắm. Ai xa quê mà không nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Việc dựng lại đình Cây Trôi của làng tôi do công ty chuyên xây dựng các công trình văn hóa tâm linh của ông Thoải ở An Vũ (Quỳnh Phụ) đảm nhiệm, khởi công từ đầu tháng 3, cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia san nền, xây móng rất đông. Công việc tiến hành rất nhanh và bảo đảm chất lượng. Từ ngày khởi công, cụ Đặng Văn Khính, trên 80 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng ngày nào cũng có mặt tại hiện trường động viên các kíp thợ.

Ngày đầu tháng 4, ban xây dựng lại đình Cây Trôi của thôn Nam Long tổ chức lễ thượng lương (đặt nóc đình) rất trang trọng. Ngày lễ thượng lương cũng có nhiều người đến gặp Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nam Long, lên tiếng công đức, gửi thêm kinh phí để làng tiếp tục những công việc còn lại. Dự kiến đến trung tuần tháng 8 năm Mậu Tuất làng tổ chức lễ khánh thành. Tuy nhiên, việc đặt hoành, rui, lợp mái, sơn tường và nhất là nội thất hoàn chỉnh vẫn còn cần rất nhiều kinh phí. Ban lãnh đạo thôn lại tiếp tục bằng nhiều hình thức kêu gọi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

Cao Bá Khoát

(Tự Tân, Vũ Thư)