Thứ 6, 22/11/2024, 05:04[GMT+7]

Mệnh lệnh cấp bách của toàn cầu

Thứ 2, 03/06/2024 | 09:14:43
1,464 lượt xem
Viện Nghiên cứu Tác động của Biến đổi Khí hậu Potsdam (PIK) vừa công bố báo cáo cảnh báo, thiệt hại cho canh tác nông nghiệp, hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Chống biến đổi khí hậu luôn là nhiệm vụ cấp bách của tất cả quốc gia trên thế giới.

Ảnh minh họa: https://www.pik-potsdam.de.

Hiểm họa được báo trước

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đưa ra những cảnh báo đáng chú ý về hiểm họa từ biến đổi khí hậu: Mực nước biển đã dâng 76mm trong giai đoạn 2022-2023, gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2021-2022, do hiện tượng thời tiết El Nino mạnh và khí hậu ấm lên.

Phân tích do NASA dẫn đầu thực hiện dựa trên hơn 30 năm quan sát vệ tinh, với lần phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1992 và lần phóng vệ tinh mới nhất là vào năm 2020. Nhìn chung, mực nước biển đã tăng khoảng 101mm kể từ năm 1993. Tốc độ mực nước biển dâng cũng nhanh hơn, cao hơn 2 lần từ mức hơn 1,7mm/năm vào năm 1993 lên hơn 4,3mm/năm ở thời điểm hiện tại.

Theo NASA, mực nước biển đã dâng 76mm trong giai đoạn 2022-2023, gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2021-2022, do hiện tượng thời tiết El Nino mạnh và khí hậu ấm lên.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự gia tăng đột biến đó là do hiện tượng El Nino, thay thế hiện tượng La Nina từ năm 2021-2022, bên cạnh đó, hành vi của con người cũng là một nguyên nhân.

Bà Nadya Vinogradova Shiffer, Phụ trách nhóm theo dõi mực nước biển của NASA nhận định, với tốc độ hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu đang trên đà tăng thêm 20 cm từ nay đến năm 2050, khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên với mức độ thảm khốc hơn trong tương lai.

Nhà nghiên cứu mực nước biển Josh Willis tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (JPL) cho rằng, trong những năm xuất hiện El Nino, lượng lớn mưa thường rơi trên đất liền sẽ đổ ra đại dương, khiến mực nước biển tạm thời dâng cao.

Nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đang hứng chịu thiệt hại ngày càng nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy, sự kết hợp giữa El Nino và biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến khu vực Mỹ Latin và Caribe. Tốc độ tan chảy của các sông băng tăng mạnh cùng với mực nước biển dâng nhanh tại vùng biển Đại Tây Dương trong khu vực đang đe dọa nhiều vùng ven biển và các quốc đảo nhỏ ở Caribe.

Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho biết, cơn bão cấp 5 Otis đã tàn phá thành phố ven biển Acapulco của Mexico, khiến hàng chục người chết và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Cũng theo WMO, hạn hán, nắng nóng, cháy rừng, mưa bão đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, an ninh lương thực và năng lượng, cũng như sự phát triển kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm 2023.

Theo WMO, nhiệt độ trung bình tại Mỹ Latin trong năm 2023 tăng 0,82oC so với mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 1991-2020. Trong đó, Mexico là quốc gia có tốc độ nóng lên nhanh nhất khu vực, tăng 0,3oC mỗi thập kỷ trong giai đoạn 1991-2023. Hồi tháng 8/2023, miền bắc Mexico hứng chịu nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới 51,4oC.

Trái ngược với tình trạng nắng nóng ở khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm 2023, những tháng đầu năm 2024, băng tuyết bất thường đã đe dọa mất mùa lúa mì, ngô, củ cải đường và các loại cây trồng khác ở các tỉnh Voronezh, Tula, Tambov và Lipetsk của Nga.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Manino ở Voronezh, Manino Sergei Tribunsky cho biết, nhiệt độ hạ xuống tới -8oC khiến các loại cây trồng mùa đông, hoa hướng dương, lúa mì mùa đông, ngô, ngũ cốc đều chết. Ước tính, công ty thiệt hại khoảng 900 nghìn USD.

Đại diện doanh nghiệp trồng táo Gardens LLC cho biết, nếu mất mùa mà không có hỗ trợ của nhà nước, rất có thể công ty sẽ bị phá sản. Phó Tỉnh trưởng tỉnh Voronezh, Viktor Loginov phải tuyên bố áp dụng chế độ khẩn cấp từ ngày 7/5 vừa qua do sương giá. Trước đó tình trạng khẩn cấp được ban bố ở hai tỉnh Lipetsk và Tambov do thời tiết giá lạnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Nhiều việc cần làm ngay

Trước những hiểm họa ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng quốc tế và chính phủ các nước cần thực hiện nhiều việc cần làm ngay: Phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra tuyên bố cho biết, ông John Podesta, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Joe Biden, và người đồng cấp Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã có cuộc thảo luận 2 ngày, kết thúc ngày 9/5 tại Washington.

Theo tuyên bố, hai quan chức đã cam kết cùng hợp tác nhằm giảm phát thải khí methane. Khí thải methane là nguyên nhân lớn thứ hai gây biến đổi khí hậu, sau CO2. Tại cuộc gặp nêu trên, hai đặc phái viên cũng thảo luận cách thức bảo đảm thành công của Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) được tổ chức tại Azerbaijan vào tháng 11 tới.

Ông Podesta và ông Lưu Chấn Dân cũng nhất trí tăng cường giám sát và nâng cao các tiêu chuẩn nhằm đạt được mục tiêu giảm và kiểm soát đáng kể khí thải methane đầu những năm 2020.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã nhất trí thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tại cuộc hội đàm hồi đầu tháng 5 ở thủ đô Brasilia, hai nhà lãnh đạo ký một thỏa thuận mang tên Sáng kiến đối tác xanh, bao gồm các khoản đóng góp tài chính và hỗ trợ nhằm phục hồi đất nông nghiệp bị thoái hóa, ngăn chặn nạn phá rừng...

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí nỗ lực triển khai các biện pháp khử carbon như các dự án chung sử dụng công nghệ nhiên liệu sinh học của Brazil và động cơ hybrid của Nhật Bản. Về phần mình, Tổng thống Lula kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào các ngành năng lượng sạch, nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng…

Gần đây, các nước nghèo, nước đang phát triển cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đầu tháng 5 vừa qua, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ cho Nam Sudan-trong những quốc gia nghèo nhất thế giới-33 triệu USD để thực hiện các biện pháp quản lý lưu vực sông trong 5 năm tới nhằm tăng cường khả năng phục hồi khí hậu ở các vùng đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Nam Sudan, Josephine Napwon Cosmas cho biết, dự án sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời khôi phục hệ sinh thái có tiềm năng to lớn cho khu vực.

Trong khi đó, Chính phủ Lào vừa ký hợp tác với Công ty Green Forest AIDC để triển khai Sáng kiến tín chỉ carbon rừng. Theo thỏa thuận, dự án sẽ bao phủ 8 khu rừng với tổng diện tích khoảng 1,4 triệu ha. Kế hoạch nêu trên là một chiến lược quốc gia quan trọng và phù hợp với chiến lược được các quốc gia khác áp dụng nhằm giảm nạn phá rừng, một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Những nỗ lực nêu trên được triển khai trong bối cảnh báo cáo của PIK cho thấy, nếu nhân loại không hành động, thế giới sẽ thiệt hại tới 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050, tương đương 17% GDP của toàn cầu.

Tuy nhiên, chỉ cần đầu tư 6.000 tỷ USD thực hiện các biện pháp nhằm giới hạn mức ấm lên toàn cầu ở ngưỡng 2oC, sẽ giảm đáng kể thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại hiện nay là các quốc gia, nhất là các nước phát triển, hành động chưa đủ nhanh và quyết liệt.

Đóng góp tài chính của các nước lớn cho công cuộc chống biến đổi khí hậu, hay các khoản hỗ trợ dành cho Nam Sudan như trên vẫn chỉ “như muối bỏ bể” so với nhu cầu thực tế ■

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày