Thứ 4, 15/01/2025, 14:51[GMT+7]

Phân cấp quản lý các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia

Thứ 7, 08/06/2024 | 09:52:54
1,591 lượt xem
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện văn bản pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Thông tin được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói tại hội thảo "Một số giải pháp thúc đẩy triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia" tổ chức chiều 6/6. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý 26 chương trình cấp quốc gia, trong đó có 21 chương trình khoa học công nghệ (mã số K.C) và 5 chương trình khoa học xã hội nhân văn (mã số K.X).

Theo Bộ trưởng Đạt, thời gian qua Bộ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển khoa học công nghệ. Cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đã được hoàn thiện, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Theo Bộ trưởng Đạt, điều này tăng cường thu hút và trọng dụng cá nhân hoạt động nghiên cứu.

Đến nay, các thông tư quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia dần hoàn thiện, trong đó có các hướng dẫn xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách (Thông tư 02); Sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia (Thông tư 03); Quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học (Thông tư 05); Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia sử dụng ngân sách (Thông tư 20)...

Bộ trưởng Đạt yêu cầu các thành viên Ban chủ nhiệm chương trình đẩy mạnh tìm kiếm nhiệm vụ tập trung các vấn đề cấp thiết, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước. Các nhiệm vụ mang tính liên vùng, liên ngành, có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Ông đề nghị các thành viên Ban chủ nhiệm nghiên cứu lồng ghép các nội dung nghiên cứu khoa học, nhất là phát triển công nghệ phục vụ tăng năng suất lao động. Các nghiên cứu phải đo lường được tác động của công nghệ đối với năng suất lao động trong từng nhiệm vụ, chương trình khoa học công nghệ.

Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết, thời gian qua, có hàng nghìn đề xuất. Qua sàng lọc Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ để tuyển chọn thực hiện 19 chương trình, đặt hàng thực hiện 298 nhiệm vụ.

Các đề tài nghiên cứu thuộc chương trình có khả năng ứng dụng cao. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, nhà khoa học đã chế tạo robot thông minh hình dáng giống người, hỗ trợ dạy tiếng Anh trong trường tiểu học với nhiều tính năng nổi bật cũng như sự tương tác giữa thiết bị và học sinh. Điều này giúp học sinh phát huy khả năng tự tin trong giao tiếp đồng thời có thể phát âm tiếng Anh chuẩn theo người bản ngữ. Lĩnh vực giáo dục còn ghi nhận một số kết quả của nhiệm vụ xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh.

Lĩnh vực nông nghiệp, có các nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, ra quyết định điều khiển tự động, tối ưu hóa lượng nước tưới và áp dụng thử nghiệm cho cây thanh long.

Lĩnh vực công nghiệp có các nghiên cứu phát triển tổ hợp robot ứng dụng trong dịch vụ logistics; chế tạo Cobot (Colalaborative robot) ứng dụng trong công nghiệp và một số lĩnh vực khác có sự hợp tác giữa người và máy.

Lĩnh vực phòng chống thiên tai có các công trình chế tạo, tích hợp hệ thống nhiều robot bay tự hành, dùng trong thám sát môi trường, tìm kiếm-cứu nạn, cứu hộ. Nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập cho thành phố lớn dựa trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo và hệ thống tin địa lý, ứng dụng cho TP HCM...

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị các thành viên ban chủ nhiệm tư vấn cho Bộ về các vấn đề quản lý, nội dung chương trình. Ông cho biết Bộ sẽ đẩy nhanh triển khai các đề tài; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan để triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hiệu quả.

Theo vnexpress.net