Thứ 2, 25/11/2024, 11:07[GMT+7]

7 kỹ năng thoát hiểm và giải cứu trẻ bị mắc kẹt trong ô tô

Thứ 4, 12/06/2024 | 08:20:40
5,533 lượt xem
Để hạn chế các trường hợp tử vong thương tâm, các bậc phụ huynh cũng nên trang bị những kỹ năng thoát hiểm cho trẻ khi bị nhốt trong ô tô.

Ảnh minh họa.

7 kỹ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trong ô tô mà các bậc phụ huynh cần trang bị cho các em nhỏ:

- Cố gắng giữ bình tĩnh: Trước tiên, các con cần cố gắng giữ bình tĩnh, quan sát xung quang và cố gắng tìm cách thoát hiểm.

- Bật lẫy mở cửa xe: Cửa ô tô luôn có lẫy để mở khóa từ bên trong. Nên thử bật lẫy và mở cửa xe từ vị trí ghế phía sau, nếu không được thì có thể leo lên ghế lái và thử lại.

- Bấm còi xe: Nếu không thể mở được cửa, hãy thử bấm còi xe, còi xe vẫn thường nằm giữa vô lăng ở ghế lái, chạy bằng nguồn điện riêng nên khi tắt máy vẫn có thể hoạt động. Nguồn điện còi rất nhiều nên hãy bấm liên tục để thu hút sự chú ý của xung quanh.

- Bật đèn cảnh báo: Tương tự như còi xe, đèn Hazard của xe chạy bằng nguồn điện riêng và có thể hoạt động khi xe tắt máy. Nút đèn Hazard thường nằm ở bảng điều khiển trước xe, trên nút là 2 hình tam giác lồng vào nhau, nếu thấy có nút này thì có thể bấm để gây sự chú ý.

- Thu hút sự chú ý bằng tay: Kết hợp với việc bấm đèn và bấm còi, hãy đứng ở ghế trước và vẫy tay để thu hút sự chú ý. Các cửa sổ đều có kính tối màu hạn chế ánh nắng. Nhưng kính chắn gió trước xe luôn là kính trong nên người ngoài có thể nhìn thấy dễ dàng hơn.

- Búa thoát hiểm: Nếu trên xe có búa thoát hiểm (xe buýt trường học thường sẽ có búa thoát hiểm gần cửa số xe hoặc dưới ghế ngồi), có thể lấy và đập kính để thoát ra ngoài. Kính xe là loại kính an toàn, khi bị phá vỡ sẽ tạo thành mảnh vỡ dạng hạt ngô nên không phải lo dẫm phải mảnh kính và bị thương. Nếu không có búa thoát hiểm, hãy lấy những vật nặng, vật kim loại bất kì mang theo người như hộp bút, cặp sách, ô, chốt của dây đai an toàn... đề phá cửa.

- Liên lạc với bên ngoài bằng thiết bị thông minh: Nếu có điện thoại hoặc đồng hồ thông minh, gọi ngay đến số điện thoại của bố mẹ để cầu cứu, hoặc gọi tới các số điện thoại khẩn cấp như 113, 114, 115.

Cần làm gì khi phát hiện trẻ mắc kẹt trong ô tô:

Liên tục gọi và quan sát tình hình của trẻ. Nếu thấy trẻ không phản hồi, có dấu hiệu mệt mỏi, lừ đừ và trên da nổi màu đỏ thì phải hành động ngay lập tức.

Tìm cách phá kính xe và đưa trẻ ra ngoài càng nhanh càng tốt, nếu không có công cụ hoặc không thể phá kính, hãy liên hệ đầu số 113 hoặc 114 để được trợ giúp.

Sau khi đưa trẻ ra ngoài, cho trẻ nằm nghỉ ở vị trí mát mẻ. Nếu trẻ có thân nhiệt cao, dội nước lên người hoặc dùng khăn ướt lau người cho trẻ. Nhưng tuyệt đối không sử dụng đá để làm mát cho trẻ. Nên ở cùng trẻ đến khi xe cứu thương hoặc công an tới hỗ trợ.

Trong khi hỗ trợ trẻ, hãy nhờ ai đó đi tìm cha mẹ của trẻ hoặc chủ xe. Nếu xung quanh xe đã có một đám đông thì nên chỉ đích danh một người, điều này giúp tránh được tâm lý đám đông. Nếu đang ở trong một khu siêu thị hay nơi nào đó có hệ thống loa phát thanh, có thể nhờ người phát thanh truyền thông báo tìm người.

Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu thấy trẻ có các dấu hiệu sau:

- Bối rối, lơ mơ

- Tâm lý không ổn định

- Choáng váng, chóng mặt

- Tâm nhìn bị nhòe, mờ

- Đau đầu

Những trường hợp trẻ em bị bỏ quên trên ô tô thường để lại hậu quả thương tâm và đáng tiếc. Sự việc có thể gặp phải bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu nên bố mẹ rất cần trang bị cho con các kỹ năng để thoát hiểm khi vô tình bị mắc kẹt trong xe.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày