Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An"
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đồng chí Lê Hồng Sơn là học trò, là người đồng chí và là cộng sự tin cậy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong nhiều năm.
Khi đang bế tắc về con đường cách mạng, đồng chí và nhóm thành viên của Tâm Tâm xã được gặp và tiếp nhận ở lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những tư tưởng và phương pháp cách mạng mới. Được sự giác ngộ của Người, đồng chí Lê Hồng Sơn từ một thanh niên yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin cậy giao nhiều trọng trách.
Đồng chí Lê Hồng Sơn là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, có công lao to lớn trong việc góp phần gieo mầm cách mạng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đồng chí đã trở thành một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, cũng là hiện thân của cốt cách, phẩm giá của con người xứ Nghệ “lý tưởng trong tâm hồn, kiên trung trong bản chất”.
Đối với mỗi người dân xứ Nghệ và đồng bào cả nước, đồng chí là người cộng sản kiên trung, là một tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, đạo đức cách mạng, hy sinh trọn đời vì độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Hội thảo là dịp để chúng ta tôn vinh và tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Lê Hồng Sơn có tên khai sinh Lê Văn Phơn, thường gọi là Lê Văn Phan, sinh ngày 29/6/1899 trong một gia đình nhà Nho tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Theo tiếng gọi cứu nước của chí sĩ Phan Bội Châu, năm 1920, người thanh niên Lê Hồng Sơn đã từ giã gia đình, quê hương lên đường sang Xiêm (Thái Lan) bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp cách mạng đầy khó khăn, gian khổ. Tại đây, đồng chí đã trở thành một trong những thành viên hoạt động rất tích cực của tổ chức Việt Nam Quang phục Hội và được các nhà cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu, Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính... rất cảm mến và tín nhiệm.
Với sự nhạy bén chính trị, đồng chí Lê Hồng Sơn và một số thanh niên khác trong tổ chức Việt Nam Quang phục Hội nhận thấy sự bế tắc trong đường lối cách mạng của cụ Phan Bội Châu và mong muốn tìm một hướng đi mới. Năm 1923, Lê Hồng Sơn cùng với một số đồng chí khác tách khỏi Việt Nam Quang phục Hội, thành lập một tổ chức yêu nước mới, lấy tên là Tâm Tâm xã với chủ trương trước hết là phải tập hợp lực lượng, củng cố tổ chức và phải gây được một tiếng vang trong dân chúng.
Tháng 6/1924, các đồng chí Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong được Tâm Tâm xã giao nhiệm vụ ném lựu đạn ám sát Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh đang ở Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc). Cuộc ám sát không thành, song đã gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ và mang ý nghĩa rất quan trọng, “báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”…
Tháng 11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu, tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cộng sản ở Việt Nam. Người đã tìm hiểu các tổ chức của những người Việt Nam yêu nước ở đây, trước hết là Tâm Tâm xã.
Người đánh giá cao tinh thần yêu nước, đồng thời cũng thấy rõ hạn chế của tổ chức này là còn ít hiểu biết về chính trị, chưa có đường lối tổ chức quần chúng rõ ràng; và chỉ cho họ thấy con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là đi theo con đường cách mạng vô sản. Được giác ngộ bởi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ đây, đồng chí Lê Hồng Sơn đã đến với con đường đấu tranh cách mạng theo lý tưởng cộng sản, vì độc lập của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Trên cơ sở tổ chức Tâm Tâm xã, tháng 2/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập nhóm bí mật là Cộng sản đoàn gồm 9 người, trong đó các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu,… được kết nạp thành những người Cộng sản dự bị. Việc ra đời của Cộng sản đoàn là một sự kiện chính trị rất quan trọng, là hạt nhân tiền thân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại hội thảo.
Theo chủ đề hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học, các đại biểu, bằng những luận cứ khoa học đã tập trung phân tích làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với phong trào cách mạng Việt Nam; đặc biệt là những đóng góp của đồng chí đối với sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã khẳng định, với nhiệt huyết yêu nước và tinh thần cách mạng, không quản khó khăn, Lê Hồng Sơn đã tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng để tuyền truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước; xây dựng tổ chức đảng, cơ sở cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí có đóng góp quan trọng đối với sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng-một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các đại biểu dâng hương tại khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn 3 lần bị địch bắt, dù kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ nhưng không thể nào khuất phục được bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ngày 24/12/1932, đồng chí Lê Hồng Sơn bị tòa án Nam Triều kết án tử hình. Ngày 20/2/1933, Lê Hồng Sơn bị thực dân Pháp xử bắn tại quê nhà xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.
Với 34 năm tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng tích cực, sôi nổi, 2 lần bị bắt giam và tra tấn dã man, đồng chí Lê Hồng Sơn là tấm gương mẫu mực về người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân lên trên hết. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí sẽ mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ tiếp bước noi theo.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam